Nam Định: Người dân khốn khổ vì ô nhiễm từ nghề đúc nhôm

(khoahocdoisong.vn) - Hàng chục cơ sở sản xuất đúc nhôm hợp kim không phép, không đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường ngày đêm hoạt động khiến cho ô nhiễm ngày càng nặng nề.

Xã Hải Vân (Hải Hậu - Nam Định) là một trong những địa phương được công nhận chuẩn nông thôn mới khá sớm của tỉnh Nam Định. Điều đó đồng nghĩa với tiêu chí về môi trường được đảm bảo. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi của một danh hiệu, còn thực tế thì người dân nơi đây đang phải “sống mòn” trong môi trường ô nhiễm từ nghề đúc nhôm gây ra.

“Sống mòn” tại xã chuẩn nông thôn mới

Theo người dân xã Hải Vân, khoảng 4 năm trở lại đây, tại địa phương có khoảng trên dưới 30 cơ sở chuyên nghề đúc và tái chế nhôm hoạt động. Việc các cơ sở kinh doanh sản xuất đơn thuần thì chẳng ai nói làm gì, đằng này các cơ sở tại xã Hải Vân hoạt động tự phát thải ra môi trường khói bụi và các chất độc hại. Đặc biệt là nguồn nước không qua xử lý khiến cho môi trường bị ô nhiễm, cá trong kênh mương, ao hồ chết hàng loạt.

Các xưởng tái chế nhôm tại xã Hải Vân mỗi ngày đốt tới hàng chục tấn than và hóa chất để nấu nhôm và xả thải trực tiếp ra môi trường. Các loại khí độc và mùi hôi thối bốc ra khiến người dân hít phải dẫn đến bị tức ngực, người già và trẻ nhỏ không có không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi vì thường xuyên phải chịu sự tác động của tiếng ồn.

Thậm chí, một số cơ sở hoạt động ngay trong khu dân cư gây ra tiếng ồn và bụi bặm suốt đêm ngày. Người dân trong khu dân cư khi không thể chịu đựng đã phản ánh tới chính quyền địa phương và đề nghị không được tái chế đúc nhôm trong khu dân cư. Tuy nhiên, sau các đợt thanh kiểm tra, một số cơ sở dừng hoạt động một thời gian, rồi sau đó đâu lại vào đấy.

Cũng theo người dân nơi đây, hầu hết các cơ sở sản xuất nghề đúc nhôm hợp kim trên địa bàn đều không có giấy phép hoạt động. Hoạt động sản xuất mang tính tự phát, chính quyền không quan tâm đến môi trường nên hàng ngày, ngoài lượng khói bụi, tiếng ồn thì xả thải trực tiếp ra môi trường khiến nguồn nước bị ô nhiễm là điều mà người dân đang lo lắng nhất.

Đặc biệt, tại trường Mầm non Hải Vân và trường Tiểu học Hải Vân hàng ngày các em học sinh liên tục phải hứng chịu bởi tình trạng ô nhiễm môi trường bởi hai nhà máy nằm sát bên gây ra. 

Nhiều người tại xã Hải Vân nói rằng, do địa phương muốn phát triển kinh tế công nghiệp, giải quyết việc làm nên chính quyền “nhắm mắt làm ngơ” cho các cơ sở này hoạt động. Người dân có kêu ca, có gửi đơn kêu cứu, khiếu nại… thì cũng chỉ như ném đá ao bèo.

Các cơ sở tái chế nhôm đúc tại xã Hải Vân đều không có giấy phép và xả thải ra môi trường.

Các cơ sở tái chế nhôm đúc tại xã Hải Vân đều không có giấy phép và xả thải ra môi trường.

Vì lợi nhuận, bất chấp ô nhiễm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề tái chế đúc nhôm phát triển tại xã Hải Vân có từ những năm 2010. Do lợi nhuận cao nên chỉ sau một thời gian ngắn, vài chục cơ sở ra đời và hoạt động suốt đêm ngày mà không ai quan tâm đến vấn đề môi trường.

Chỉ khi lượng khói bụi, tiếng ồn đã lên tới đỉnh điểm, và lượng nước thải không qua xử lý làm ao hồ, kênh mương đổi màu khiến cho cá chết hàng loạt thì người dân mới bắt đầu lo lắng.

Theo ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Vân thì cho đến nay, cả xã có khoảng 30 cơ sở chuyên nghề tái chế và đúc nhôm hợp kim. Ông Sơn cũng thùa nhận thực trạng về các cơ sở này là không có giấy phép hoạt động, mặc dù họ có đăng ký kinh doanh.

Với 30 cơ sở hoạt động suốt đêm ngày, thu hút một lượng lớn lao động từ địa phương và các nơi khác đến, xã Hải Vân mặc nhiên được coi như một “làng nghề” sản xuất nhôm. Xe tải vận chuyển hàng hóa tấp nập chở nguyên liệu nhôm đến các xưởng, và chở hàng thành phẩm đi các nơi tiêu thụ. Thứ duy nhất họ không vận chuyển đi là phế phẩm, chất thải mà nghề này gây ra, để lại cho địa phương sự ngột ngạt và ô nhiễm.

Theo ông Sơn, sau rất nhiều phản ánh lẫn đơn cầu cứu của người dân xã Hải Vân về tình trạng các cơ sở đúc nhôm “bủa vây” khu dân cư và xả thải, liên ngành huyện Hải Hậu đã vào cuộc kiểm tra và xác nhận phản ánh của nhân dân là đúng thực tế.

Nhiều phế phẩm chất thải độc hại được “tuồn” ra môi trường.

Nhiều phế phẩm chất thải độc hại được “tuồn” ra môi trường.

Xử phạt xong lại hoạt động

Qua kiểm tra cho thấy các cơ sở này đều không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường, không có hệ thống nước thải riêng với nước thải sinh hoạt, không có hệ thống thu gom nước thải nguy hại, không có hệ thống lưu trữ hoá chất, không có hệ thống giảm thiểu khí ra môi trường, không có hệ thống giảm thiểu tiếng ồn…

Các cơ sở này phát thải khí gây ô nhiễm từ các hoạt động như mài dũa sản phẩm cổng, hàng rào đúc từ nhôm gang. Khi người dân góp ý, có chủ cơ sở thể hiện thái độ thiếu văn hoá, khiến người dân càng bức xúc.

Đặc biệt gây ô nhiễm tại xã Hải Vân là 4 cơ sở dù là hoạt động nhỏ lẻ, xưởng quy mô nhỏ nhưng đều đã thành lập doanh nghiệp, gồm Công ty TNHH Hoàng Anh, Công ty TNHH Phát triển sản xuất thương mại Hoàng Long, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Hải, và Công ty cổ phần hợp kim nhôm Tân Thiên Phú. Các cơ sở này đã bị xử phạt vi phạm hành chính mức 140 triệu đồng mỗi/cơ sở.

Người dân rất bức xúc trước các cơ sở hoạt động trái phép và xả thải.

Người dân rất bức xúc trước các cơ sở hoạt động trái phép và xả thải.

“Ngoài xử phạt tiền, cả 4 cơ sở đều chịu hình phạt bổ sung tạm đình chỉ hoạt động 6 tháng. Trong thời gian tạm đình chỉ, các cơ sở này phải có giải pháp bổ sung các thiết bị, biện pháp giảm phát thải ô nhiễm, hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về môi trường. Nếu không thực hiện tiếp tục đình chỉ hoạt động”, ông Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, UBND huyện Hải Hậu đã đề nghị UBND tỉnh Nam Định cho làm quy hoạch cụm làng nghề cách xa khu dân cư với diện tích khoảng 10,7ha. “Chúng tôi đề nghị là 17ha, nhưng dự án lớn phải thông qua Quốc hội nên UBND tỉnh Nam Định phải điều chỉnh quy hoạch để giải quyết tạm thời bức xúc do ô nhiễm môi trường gây ra”, ông Sơn cho biết.

“Các cơ sở bị xử phạt và đình chỉ sản xuất do hoạt động trái phép, xả thải gây ô nhiễm… nhưng sau một thời gian đầu tư thêm thì lại hoạt động, mặc dù vẫn chưa có giấy phép. Chúng tôi cũng đang rất khổ sở vấn đề này và đang yêu cầu các cơ sở phải nghiêm túc thực hiện”, ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Vân.

Theo Đời sống
back to top