Cả xã bốc mùi
Xã Bích Hòa từng là một trong những xã thuần nông, ruộng đồng quanh năm tươi tốt, con sông Hòa Bình trong mát đem lại cá tôm và nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho cả nghìn hộ dân.
Nhưng đó chỉ là ký ức đẹp của hơn chục năm về trước. Còn hiện tại có lẽ không có từ ngữ nào diễn tả nổi mùi hôi thối bao trùm khắp dòng sông Hòa Bình và cả xã Bích Hòa.
Dòng sông trong mát xưa, nay chẳng khác gì sông Tô Lịch. Nước thì đen, mùi thì thối và người dân cứ phải sống chung với vấn nạn ô nhiễm đó mà không có cách nào thoát ra được.
Một người dân sống cạnh sông Hòa Bình nói rằng: “Ở xã Bích Hòa thì chẳng chạy đâu cho hết thối. Mùi thối bởi nước bị ô nhiễm đã ngấm sâu xuống đất. Làm nhà, móc đất nền lên còn thấy mùi thối thì chẳng chạy đâu cho thoát được. Nhưng chúng tôi phải chấp nhận thôi, vì công nghiệp hóa, vì công ăn việc làm”.
“Vì công nghiệp hóa, vì công ăn việc làm” mà người dân nói đến chính là sự tồn tại của cụm công nghiệp Thanh Oai. Được biết, cụm công nghiệp Thanh Oai được Sở xây dựng Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết tại quyết định số 190 QĐ/XD - QH – CS ngày 19/5/2003, do công ty Coma 18 quản lý. Cụm công nghiệp này gồm vài chục nhà máy, xí nghiệp, sản xuất đủ các mặt hàng như giấy, may mặc, bao bì, dược phẩm…
Từ khi hình thành, cụm công nghiệp này giải quyết được một phần lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hệ quả xấu mà nó đã và đang gây ra là không nhỏ.
Đáng lo ngại nhất chính là nước thải mà cụm công nghiệp này xả ra. Tại vị trí cuối cống xả của cụm công nghiệp Thanh Oai thông ra con mương tưới tiêu, nước chảy ra một màu đen như mực và bốc mùi thối rất khó chịu. Nguồn nước này trộn lẫn với nước trong mương đi vào đồng ruộng, còn bao nhiêu chảy cả ra sông.
Rác thải tràn lan tại xã Bích Hòa. |
Xử lý nước thải cũng như không
Lần theo cống ngầm quanh cụm công nghiệp, tình trạng nước màu đen và bốc mùi là đặc trưng riêng của cụm công nghiệp Thanh Oai. Thậm chí hệ thống cống ngầm tại đoạn đường phía sau Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực và Thương mại Việt Nam Vinamex để lộ ra hệ thống xả thải của cụm công nghiệp này khi lắp đặt một hệ thống ống nước nhựa rộng khoảng 25cm được bố trí trải dài khắp khu công nghiệp rộng 59,32ha.
Đáng chú ý là đường ống này kéo dài nối liền nhau và được đậy nắp bê tông ngay ngắn, dường như đây là hệ thống dẫn nước thải đến nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, phần ống nước bị tuột khỏi mối nối. Và người dân cho rằng, nếu cơ quan chức năng bắt quả tang xả thải thì người chịu trách nhiệm sẽ dễ dàng ngụy biện bằng cách đổ lỗi cho “đường ống tuột mối nối”.
Cạnh cụm công nghiệp Thanh Oai có một trạm xử lý nước thải với công suất 600m3/ngày đêm, dự án này sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp. Tuy nhiên, chính người dân xã Bích Hòa cũng không rõ nhà máy này đã hoạt động hay chưa?
Theo tìm hiểu của PV, Dự án khu xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp Thanh Oai do Công ty Cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư. Mặc dù nhà máy xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Thanh Oai đã đi vào hoạt động, song thực tế, có nhiều doanh nghiệp trực tiếp xả thải mà không hề qua hệ thống hay nhà máy xử lý nước thải của cụm.
Đơn cử như ở bên dưới hệ thống ống nhựa chính là rãnh thoát nước thải chạy dọc đằng sau Công ty Đông Dược Phúc Hưng đến Công ty Vinamex,JSC… Rãnh tập hợp nước thải của nhiều công ty xả thẳng trực tiếp đến cống ngầm, sau đó đổ ra kênh thoát nước chung của cụm mà không qua nhà máy xử lý nước thải.
Nước màu đen từ cụm công nghiệp Thanh Oai xả ra mương tưới tiêu của nông dân. |
Công nghiệp giết chết nông nghiệp
Cho đến nay, người dân không biết phải đánh giá cuộc sống của chính mình như thế nào. Cụm công nghiệp Thanh Oai giải quyết được một phần công ăn việc làm, nhưng đồng thời đem đến cho họ nỗi bất hạnh về môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng kéo theo bệnh tật, chết chóc.
Còn những nông dân chẳng may có ruộng gần cụm công nghiệp thì mùa đực mùa cái. Năm 2018, hơn 20 mẫu ruộng của người dân xã Bích Hòa gần như không thu được hạt thóc nào, mặc dù lúa vẫn tươi tốt.
“Khi chúng tôi trồng lúa thì vẫn xanh tốt, lên đều. Nhưng lúa không làm đòng, không trổ bông và chúng tôi mất trắng. Năm nay, nhiều hộ có ruộng đã bỏ hoang không trồng cấy gì”, một người dân cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ HTX nông nghiệp xã Bích Hòa (xin được giấu tên) cho biết: Đúng là có việc mất mùa, nhưng chúng tôi không biết có phải do ô nhiễm nguồn nước hay không. Người dân có phản ánh là do nguồn nước ô nhiễm nên lúa bị sâu bệnh, lép hạt… và chúng tôi cũng chỉ biết ghi nhận như thế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND TP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Công ty cổ phần COMA 18 có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý cụm công nghiệp; hướng dẫn của Sở Quy hoạch & Kiến trúc tại văn bản số 4781/QHKT-P4 ngày 23/8/2016. UBND huyện Thanh Oai có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp Thanh Oai theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý cụm công nghiệp.
Vậy câu hỏi đặt ra là vấn nạn ô nhiễm môi trường tại xã Bích Hòa mà nguyên nhân phát sinh ô nhiễm là do cụm công nghiệp Thanh Oai xả thải, ảnh hưởng đến môi trường và thâm canh nông nghiệp thuộc trách nhiêm của ai?
Trước vấn nạn ô nhiễm mối trường tại địa phương, PV đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Bích Hòa nhưng lãnh đạo địa phương liên tục đi họp. Ngày 17/4, PV liên lạc với ông Nguyễn Thạch Vang, PCT UBND xã Bích Hòa nhưng ông Vang từ chối trả lời nguyên nhân và thực trạng ô nhiễm tại địa phương với lý do đang đi “tiếp xúc cử tri”.