Giữa những công trình, kiến trúc ngồn ngộn đang hằng ngày mọc lên thêm dày ở Phú Quốc, tôi tự hỏi mình, rằng trong sự phồn hoa no đủ ấy, đâu là nơi lưu giữ hồn cốt của đảo Ngọc?
Một Phú Quốc “hỗn độn”
Tôi lang thang khắp Phú Quốc và nhận ra bảng hiệu nhiều nhất là bảng hiệu của các công ty bất động sản. Đỉnh của “cơn sốt” đã qua, nhưng đất Phú Quốc vẫn còn “cháy âm ỉ”. Những condotel, khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng hay đất phân lô đã hình thành vẫn được rao bán và vẫn có người mua, dù ít hơn nhiều so với giai đoạn 2017 - 2018.
Ở dưới làng chài Hàm Ninh cũng thế. Không có resort hay khách sạn ven biển, thì có nhiều trạm trộn bê tông để phục vụ cho nhu cầu xây dựng của Phú Quốc. Có một điều dễ thấy là những người làm trong trạm trộn hút thuốc lào, uống trà mạn, và như đã nói ở trên, không nói giọng Phú Quốc.
Tôi vào một quần thể kiến trúc mang tên resort Thăng Long, thấy các biệt thự đa phần đóng cửa, có cái có dấu hiệu xuống cấp, cây cỏ mọc um tùm xung quanh. Hỏi một bà chủ tạp hoá gần đó thì được biết “Mấy ổng đầu tư để đó chớ không ở mấy. Chắc chờ lên giá lại...”.
Tôi nhờ một gia đình cố cựu ở Dương Đông tìm giùm một nơi còn “chất Phú Quốc” nhất, ngoài những nhà thùng nước mắm. Thật lạ lùng, nơi được giới thiệu là một resort của... Úc. Họ không bê tông hoá quá nhiều, và những lối đi vẫn còn cây xanh mát mắt, dù sát biển.
Tại resort của những chủ đầu tư không phải người Việt ấy, những ngôi nhà cổ “kiểu Phú Quốc” được phục dựng rất đẹp. Cả đặc tính ham thích đá gà của dân Phú Quốc cũng được điểm tô đầy ý nhị bằng những lồng gà đá bằng tre chụp lên đèn led soi ngoài sân. Ngay cả những ngôi mộ của người dân bản địa đã được đền bù giải toả nhưng chưa có điều kiện di dời vẫn còn nguyên đó, hương khói đàng hoàng. Mấy chiếc thuyền đánh cá “làm cảnh” gợi lại những ký ức xa xưa...
Nhưng ở những nơi khác, những hình khối vô hồn, xa lạ với văn hoá bản địa ngày càng nhiều. Phú Quốc có lẽ không hợp với cây cảnh, hình khối bê tông, hay những nhà cao tầng, cao ốc đang chắn lối phía biển, lấn chiếm nơi vốn từng là rừng.
Trong cơn mưa chiều ở gần ngã ba An Thới, tôi ngồi trú mưa, nghe người dân Phú Quốc nói về công việc của họ. Tôi bắt chuyện với một chàng trai trẻ là dân Phú Quốc “gộc”, đang làm bảo vệ trong một quần thể biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp mà giá phòng mỗi đêm gần gấp 10 lần lương của cậu ta.
Khu nghỉ dưỡng ấy ngày xưa có cái giếng Tiên mà vua Gia Long từng uống nước. Nơi đó tôi và mấy người bạn từng đi thuyền máy đuôi tôm ra chơi cho biết vào năm 2010. Giờ thì nó là chỗ chỉ dành riêng cho những vị khách sang trọng tắm biển mất rồi. Những câu chuyện như vậy cứ nối nhau, nối nhau...
Chuyện đời, chuyện việc cứ thế trộn trong rỉ rả mưa chiều. Thế rồi, tiếng nói bật ra từ một bác trung niên gầy gò ngồi lẫn trong đám đông. Ông nói tỉnh rụi, hiền khô, nhưng đau: “Tụi tui bây giờ làm culi trên chính đất cha ông mình!”.
Ngập, rồi thiếu nước!
Nói về trận ngập lịch sử, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh trả lời trên TTXVN: “Thiên tai ập đến bất ngờ gây hại, đừng quy kết đảo ngọc Phú Quốc quy hoạch thiếu tầm nhìn và phá vỡ quy hoạch”. Ông Huỳnh đã đúng khi nói về thiên tai khi từ ngày 1 - 9/8/2019, lượng mưa ở Phú Quốc đã đạt 1.170mm, trung bình 146,25mm/ngày, trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại đảo là 2.800mm.
Nhưng nếu thiên tai và thời tiết khó dự báo đến như vậy thì Phú Quốc sẽ đối phó ra sao, khi các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Trung tâm Nghiên cứu các Hệ thống môi trường (CESR), Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA)... đã cảnh báo về nguy cơ ngập cao do biến đổi khí hậu?
Theo đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực có nguy cơ ngập cao nhất (khoảng 39,40% diện tích) vào 2050. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có thể ngập đến 75% diện tích, còn Phú Quốc nằm trong số các đảo có nguy cơ ngập cao nhất quốc gia cùng với Vân Đồn, Côn Đảo. Đó là một viễn cảnh không dễ ứng phó!
Mưa lớn, nước dâng nhưng Phú Quốc sẽ... thiếu nước sớm hơn. Nghe có vẻ phi lý, nhưng thực tế là Phú Quốc đã từng thiếu nước ngọt trầm trọng vào cuối năm 2017, trong khoảng hơn hai tháng. Đấy cũng là đợt hạn hán thuộc loại lịch sử tại Phú Quốc.
Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, tưới tiêu ngày càng tăng, trong khi hồ trữ nước ngọt Dương Đông chỉ có hạn. Hồ Dương Đông thực ra là sông Dương Đông được ngăn lại để thành hồ chứa phục vụ cho nhu cầu nước sinh hoạt của đảo. Với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay của Phú Quốc, chỉ vài năm nữa nguy cơ sẽ lặp lại tình trạng thiếu nước.
Tháng 6/2019, UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt cho tới khi Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Điều này xuất phát từ nhiều lý do, nhưng không thể không nhắc đến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiếp tục kiểm tra các công trình xây dựng trái pháp luật trên đất nông nghiệp, đất rừng trên địa bàn huyện Phú Quốc.
Lý do là Phú Quốc đã trở nên “hỗn độn” vì vô số sai phạm đất đai trước đó. Tiêu biểu là việc tự ý cấp phép sai quy định để phân lô, bán nền đất nông nghiệp hay thậm chí là phá rừng lấy đất rừng phòng hộ, lấn chiếm đất công làm bất động sản.