Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ ra rằng, tăng cân người mẹ thường thuận chiều với cân nặng của con. Muốn con to, khỏe, người mẹ phải ăn nhiều để tăng cân nhưng tăng cân nhiều quá trong khi mang thai dễ tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, huyết áp, nguyên nhân dẫn đến chứng tiền sản giật. Tăng cân nhiều làm cho em bé có cân nặng lớn vượt chuẩn, khó khăn cho bà mẹ khi sinh nở và em bé phải đối mặt với những nguy cơ như lượng đường trong máu thấp, gia tăng các vấn đề trao đổi chất dẫn đến nguy cơ tiểu đường và béo phì. Mỗi phụ nữ mang thai nên duy trì cân nặng ở mức ổn định, tăng trung bình 10 - 12kg. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 300 calo là đủ cho em bé.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, về chất lượng bữa ăn, phụ nữ mang thai cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng, lạc và các loại rau có màu xanh đậm. Đây là những thức ăn giá rẻ hơn thịt, có lượng đạm cao, lại có lượng chất béo nhiều giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong dầu. Chất đạm động vật đáng chú ý là từ các loại thủy sản như tôm, cua, cá, ốc... và có điều kiện nên có thêm thịt, trứng, sữa...
Ngoài ra nên bổ sung sắt. Sắt trong thực phẩm ở 2 loại, dạng sắt heme hoặc không heme. Dạng heme có trong thức ăn nguồn gốc động vật, trừ trứng (như phoscidin) và sữa (như lactoferrin). Sắt heme có thể dễ dàng được hấp thu ở ruột, trong khi hấp thu sắt không heme phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở hấp thu sắt. Vitamin C (axit ascorbic), protid động vật và các axit hữu cơ trong hoa quả và rau có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu chất sắt không heme. Các chất ức chế hấp thu sắt thường có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, như phytate ở trong gạo và các loại ngũ cốc. Chất ức chế khác là tanin trong một số loại rau, trà và cà phê. Vì vậy, hàm lượng sắt của thực phẩm không nhất thiết phản ánh sự đầy đủ sắt trong chế độ ăn. Nhu cầu sắt phụ thuộc vào lượng sắt có thể hấp thu được trong khẩu phần.
Cùng với sắt là axit folic hay còn gọi là folat (dạng có trong các thực phẩm) cũng rất quan trọng đối với phụ nữ có thai. Folat là thuật ngữ khoa học dùng chỉ một loại vitamin thuộc nhóm B, còn được gọi là vitamin B9. Axit folic có nhiều trong cam, sữa, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, đậu tương, khoai tây, ngũ cốc thô, bơ. Thiếu folat làm người mẹ mệt mỏi, khó tập trung, cáu gắt, đau đầu, hồi hộp và thở ngắn, thở gấp khi bệnh tiến triển nặng hơn và thường có các đặc điểm giống với tình trạng thiếu vitmain B12. Thiếu folat giai đoạn sớm sau thụ thai có thể gây ra các khuyết tật ống thần kinh ngay từ thời kỳ bào thai.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng liều bổ sung folat khi mang thai (khoảng 400 - 600mcg/ngày) có thể ngăn ngừa được các khuyết tật này. Ngoài ra, canxi và vitamin D sẽ bổ sung mật độ khung xương người mẹ, tránh loãng xương, xốp xương sau này đồng thời giúp cải thiện chiều dài cho trẻ khoảng 0,4cm. Thực phẩm giàu canxi nguồn gốc động vật là thịt, tôm, cua, cá, nguồn gốc thực vật như đậu nành, vừng, các loại rau như rau ngót, rau muống, rau đay, rau giền, mùng tơi… Bên cạnh đó, nên tránh thói quen che kín cơ thể khi ra ngoài, nên để một phần cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giúp tăng cường quá trình chuyển hóa từ tiền vitamin D thành vitamin D dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời.