Nhiễm độc xyanua có thể đến từ những hạt quả.
Khắp nơi quanh nhà
Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST), xyanua là chất độc hiện diện khắp nơi. Xyanua có trong một số loại thực phẩm và trong các loại cây thực vật nhất định như sắn, đậu lima và hạnh nhân. Nhân và hạt của các loại trái cây phổ biến, chẳng hạn như quả mơ, táo và đào, có thể có số lượng đáng kể các hóa chất được chuyển hóa thành chất xyanua.
Xyanua có mặt trong khói thuốc lá và các sản phẩm cháy khi đốt vật liệu tổng hợp như nhựa. Trong sản xuất công nghiệp, xyanua được sử dụng để làm giấy, dệt may, và nhựa. Nó cũng hiện diện trong các hóa chất sử dụng để làm ảnh. Muối xyanua được sử dụng trong luyện kim cho mạ điện, làm sạch kim loại, và loại bỏ vàng từ quặng. Khí xyanua được sử dụng để tiêu diệt côn trùng và sâu bọ trong các tàu thuyền và các tòa nhà…
TS y khoa Melissa Conrad Stoppler, Tạp chí chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe Emedicine Health (Mỹ) cho hay nguy cơ chúng ta bị nhiễm độc xyanua là rất cao, bởi chúng ta không chỉ sử dụng các thực phẩm có chứa xyanua mà xyanua tồn tại trong đất, nước và không khí, nghĩa là khắp nơi quanh ngôi nhà mà chúng ta đang sống.
Bạn có thể bị tiếp xúc với xyanua bằng cách hít phải không khí có xyanua, uống phải nước có chứa xyanua… Ví dụ, các sản phẩm có chứa cao su, nhựa, và lụa khi bị cháy có thể tạo ra khói xyanua và gây nhiễm độc xyanua nếu bạn tiếp xúc phải.
Điều đáng nói, do xyanua là chất cực độc nên việc nhiễm độc xyanua gây ra những hệ quả rất xấu. Nếu hít phải xyanua sẽ gây ra tình trạng hôn mê có thể kèm theo cơn động kinh, ngừng thở và tim ngừng đập, thậm chí có thể tử vong chỉ trong một vài giây. Ở liều thấp, nhiễm độc xyanua sẽ bắt đầu bằng cơ thể suy yếu, chóng mặt, đau đầu, lú lẫn và cảm nhận khó thở. Một liều gây tử vong cho con người có thể ở mức thấp như 1,5mg/kg trọng lượng cơ thể.
Mở cửa sổ
Bác sỹ Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ bệnh viện 105 cho biết, mặc dù xyanua ở khắp nơi quanh ngôi nhà của bạn, nhưng bạn không nên quá hoang mang. Khí xyanua nguy hiểm nhất khi bị kẹt ở những nơi kín bí, và nó bốc hơi và tan nhanh trong không gian mở, vì vậy, nếu gia đình bạn có người hút thuốc lá, khi các vật liệu như thảm, len, lụa… cháy hãy mở cửa thoáng. Với thực phẩm, nếu biết cách chúng vẫn hoàn toàn an toàn bởi chúng sẽ tan trong nước và nhiệt độ cao.
Ví dụ, với măng, chúng ta ngâm và luộc đi luộc lại nhiều lần và đổ nước đó đi. Đối với sắn, chất xyanua có nhiều ở phần vỏ dầy màu đỏ, ở đầu và đuôi củ sắn, ở phần lõi sắn. Vì thế khi luộc sắn hãy loại bỏ hết lớp vỏ dầy, cắt bỏ phần đầu và đuôi, khi ăn loại trừ phần lõi. Trước khi chế biến, hãy ngâm sắn trong nước. Ngoài ra, tránh ăn sắn nướng bởi khi nướng chất xyanua sẽ ngấm ngược từ vỏ vào trong, dễ gây độc khi ăn…
TS Melissa Conrad Stoppler cũng nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ phơi nhiễm xyanua khi có cha mẹ hoặc người chăm sóc làm việc trong một ngành công nghiệp có sử dụng xyanua. Các quy định an toàn nghiêm ngặt phải được tuân thủ để ngăn ngừa phơi nhiễm nghề nghiệp.
Nhân viên phải để lại tất cả các hóa chất trong phòng thí nghiệm hoặc nhà máy. Ở các gia đình cũng cần chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa cháy nhà, bao gồm cả lắp đặt máy dò khói, báo cháy, và trang bị các kiến thức ứng phó khi xảy ra cháy, bởi khói từ các đám cháy luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc xyanua có thể dẫn đến chết người.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ:
– Xyanua một hóa chất tác động nhanh chóng, có khả năng gây chết người, có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
– Xyanua đôi khi được mô tả có mùi như hạt hạnh nhân đắng, nhưngkhông phải lúc nào cũng nó cũng có mùi, và không phải ai cũng có thể phát hiện mùi này.
– Xyanua ngăn chặn các tế bào của cơ thể sử dụng oxy, làm chết dần từ các tế bào. Xyanua gây hại cho tim và não hơn đến các cơ quan khác bởi vì trái tim và não bộ sử dụng rất nhiều oxy.
– Mức độ ngộ độc do xyanua phụ thuộc vào hàm lượng tiếp xúc xyanua, các tuyến đường tiếp xúc, và độ dài của thời gian mà một người tiếp xúc với hóa chất độc hại này.
Huy Khánh