Cách phân biệt ba kích tím Quảng Ninh với cây viễn chí giả ba kích.
Rất dễ nhầm lẫn
Chị Bùi Thị Quỳnh, Đội 3 thôn Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng nhờ được người ở miền núi mua giúp củ ba kích tím để ngâm rượu cho chồng uống. Tuy nhiên, sau 3 tháng rượu không ra màu tím mà là màu nâu đỏ. Đi hỏi thì được nghe rất nhiều luồng thông tin, không biết như thế nào là đúng. Người thì bảo ngâm ra nước màu nâu đỏ là ba kích Hà Giang. Người lại bảo đó là mua nhầm củ cây viễn chí hoặc bị trà trộn không đúng ba kích. Ba kích tím chuẩn đúng một tuần ra màu đen. Trong lúc ngâm phải ngoáy đều thì mới có màu tím. Đặc biệt, nếu ngâm ba kích không bỏ lõi thì sẽ gây độc, làm yếu sinh lý, gây vô sinh… Hoang mang trước nhiều luồng thông tin, chị Quỳnh viết thư về tòa soạn KHĐS mong được giải đáp.
BS Nguyễn Thị Lệ Quyên, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hà Giang cho biết, do tác dụng đặc biệt tốt cho sinh lý (cả nam và nữ) nên ba kích được ví như một loại sâm. Ngoài tác dụng tốt cho sức khỏe, tăng cường sinh lực, rượu ngâm từ ba kích còn có mùi vị đặc biệt thơm ngon nên được ưa chuộng. Trong Đông y, ba kích có tác dụng bổ thận, tráng dương, kiện gân cốt, giúp kéo dài việc cương cứng sinh dục nam giới, kéo dài thời gian trong mỗi lần giao hợp (cố tinh), tăng nội tiết tố Testoteron… Ba kích cũng tốt cho phụ nữ đau bụng dưới (đau phần phụ), muộn con hoặc các trường hợp đau lưng đau gối, đau xương khớp…
Trong tự nhiên ba kích có hai loại: ba kích tím và ba kích trắng. Nhìn bề ngoài hai loại khá giống nhau. Ba kích tím vỏ có màu vàng sậm, còn ba kích trắng có màu vàng nhạt. Ba kích ít được sử dụng vì không tốt và thơm ngon bằng ba kích tím. Hiện nay, nhiều nơi trồng ba kích làm dược liệu nên ba kích rừng trở nên quý hiếm. Muốn chọn được ba kích tím rừng phải đi khai thác trực tiếp cùng bà con nếu không rất dễ bị nhầm lẫn với nhiều loại cây khác.
Ngâm cả lõi vẫn uống được
BS Nguyễn Thị Lệ Quyên có nhiều năm lên rừng khai thác dược liệu cùng người Mông ở Hà Giang cho biết, cây ba kích rất dễ bị nhầm lẫn với một số loại như cây mặt quỷ, sam trắng, mộc thông, giang mủ. Những cây này thường được thương lái dùng trà trộn giả làm ba kích. Do vậy, phải người có kinh nghiệm về dược liệu mới chọn chuẩn. Ba kích trắng và ba kích tím khi tươi khá giống nhau, nhưng khi ngâm rượu ba kích tím cho màu đen đậm, múc ra tím, thơm mùi ba kích đặc trưng.
Bỏ lõi ba kích khi ngâm rượu.
Ba kích rừng là loại tốt nhất, có màu xanh đậm, cứng, ghồ ghề nhiều đoạn thắt do mọc ở núi đá, không mọng nước nhẵn nhụi như ba kích trồng. Khi sử dụng rượu ba kích rừng thơm, dồi dào sinh lực còn ba kích trồng đôi khi bị đau đầu do các chất kích thích tăng trưởng có chứa trong củ ba kích vẫn còn.
Trả lời câu hỏi lõi ba kích có độc không, nếu lỡ ngâm cả lõi rượu ba kích có sử dụng được không, Ths Nguyễn Thị Hạnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cho biết, lõi ba kích không hề có độc hay có thể gây ngộ độc và vô sinh như đồn thổi. Theo Đông y, lõi ba kích tím là lõi gỗ, không hề có dược tính mà có vị chát, ảnh hưởng đến mùi vị thơm ngon, vị ngọt của rượu nên kinh nghiệm xưa truyền lại khi ngâm rượu thì loại bỏ lõi. Nếu lỡ ngâm cả lõi thì rượu vẫn dùng được chỉ bị giảm hương vị.
Để có rượu ba kích ngon, chọn ba kích tươi, củ già (phân biệt bằng cách bẻ đôi củ, khó bẻ, dai, sậm màu, khó bóc lõi là già). Sau khi rửa sạch, bóc lõi (nên bóc bằng tay để không bị dập phần thịt, tránh bị ra nước của củ) để ráo, xếp vào bình, đổ rượu lúa nếp hoặc rượu ngô nấu thủ công 35- 40 độ. Chọn bình rượu ngâm bằng bình thủy tinh hoặc chum hoặc vại có nắp đậy kín. Tỷ lệ ngâm 1kg với 3 lít rượu, sau 100 ngày thì dùng được.
Đức Vinh