Phòng cúm cho thai phụ vào mùa xuân

Phụ nữ mang thai thuộc nhóm có nguy cơ mắc cúm cao và dễ để lại biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi có dấu hiệu mắc cúm, sản phụ nên đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do Influenza vi rút gây ra. Vi rút cúm có 4 chủng chính: A, B, C và D. Trong đó, cúm A và B thường gặp ở người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thông thường, ở thể nhẹ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng gây ra viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, suy đa tạng, hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu.

Thời tiết nồm ẩm trong mùa xuân là điều kiện thuận lợi để vi rút lây lan qua đường không khí. Vào thời gian này, các bệnh về đường hô hấp gia tăng, trong đó có cúm. Thai phụ dễ mệt mỏi, stress có nguy cơ mắc cúm cao hơn người bình thường. Dưới đây là một số cách giúp thai phụ hạn chế nguy cơ mắc cúm:

Tránh tiếp xúc gần với nguồn lây cúm

Cúm dễ lây truyền qua không khí, khi tiếp xúc gần với người bệnh. Hắt hơi, ho, nói chuyện dễ khiến virus cúm lây truyền.

Cúm cũng có thể lây lan khi dùng chung đồ với người bệnh. Khi gia đình, công sở có người mắc cúm, thai phụ cần tránh tiếp xúc gần, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sát khuẩn. Hạn chế đến nơi đông người như siêu thị, chợ, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim...

Tập thể dục thường xuyên

Ngoài ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục nhẹ nhàng giúp nâng cao thể chất, tăng cường sức đề kháng. Thai phụ có thể đi bộ, tập yoga hoặc bơi lội.

Giữ nhà cửa thông thoáng

Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống hằng ngày là biện pháp quan trọng để phòng cúm. Môi trường sống có nhiều bụi, độ ẩm cao hoặc ô nhiễm có thể là tác nhân gia tăng nguy cơ mắc cúm. Mở cửa trong những khoảng thời gian nhất định hoặc dùng máy hút ẩm, lọc không khí giúp không gian sống khô thoáng.

Suy nghĩ tích cực

Thai phụ dễ mệt mỏi, lo âu, mất ngủ, sức khỏe suy kiệt. Đây là nguyên nhân làm cho vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công gây bệnh. Thai phụ cần điều chỉnh tâm trạng, giữ tinh thần thoải mái, hướng tới những suy nghĩ tích cực.

Thai phụ tiêm vaccine phòng cúm - Ảnh minh hoạ

Thai phụ tiêm vaccine phòng cúm - Ảnh minh hoạ

Tiêm vaccine phòng cúm

Mẹ bầu có thể tiêm phòng cúm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thai phụ tiêm vaccine cũng giúp bảo vệ con khỏi bệnh cúm trong vài tháng đầu sau sinh.

Những biện pháp hữu hiệu phòng cúm dễ dàng, chủ động

Các biện pháp phòng bệnh chung: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, rửa tay đúng quy trình…

Phòng lây nhiễm từ người bệnh: Cách ly người bệnh phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị; Thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh và quần áo, dụng cụ của người bệnh.

Tiêm phòng vaccine cúm: Nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, đặc biệt nhóm nguy cơ cao; Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm. Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày.

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt: Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng cân đối, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và tránh stress có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc cúm.

Theo VietnamDaily
back to top