Phẫu thuật thành công cho cụ bà 72 tuổi bị sa toàn bộ tạng chậu

Sa tạng chậu là căn bệnh “khó nói” nên khi mắc bệnh, nhiều chị em phụ nữ cảm thấy tự ti, mặc cảm, cố chịu đựng khiến bệnh kéo dài gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đánh mất cơ hội được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Nhiều người bị sa tạng chậu nguy hiểm

PGS TS BS. Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, Bệnh viện vừa phẫu thuật cứu thành công cụ bà N.T.N. (72 tuổi, ở tỉnh Tây Ninh), bị sa toàn bộ tạng chậu (bàng quang, tử cung, trực tràng) ra ngoài âm đạo và hậu môn.

Người bệnh cho biết thời gian qua bị táo bón nhiều ngày. Khi đi vệ sinh, bà N. cố dùng sức rặn thì thấy tử cung và trực tràng của mình tuột hẳn ra ngoài một đoạn dài. Bà xấu hổ nên giấu con cái. Tuy nhiên, sa tạng chậu khiến bà bị đau tức, trì nặng bụng dưới, vướng víu khi mặc quần áo, sinh hoạt khó khăn nên gia đình đã phát hiện và đưa bà đi bệnh viện.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bà N. được xác định bị sa tạng chậu ở mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân do bà sinh đẻ nhiều và giấu bệnh nên không được can thiệp sớm. Sau đó, người bệnh được phẫu thuật qua đường âm đạo để treo tử cung và bàng quang bằng lưới cố định lên các dây chằng vùng chậu. Bác sĩ cũng đã cắt đoạn trực tràng lòi ra ngoài rồi nối đại tràng sigma xuống lỗ hậu môn cho bà N.

Đến nay, sau hơn 2 tuần theo dõi sau mổ, các bác sĩ ghi nhận tình trạng bà N. ổn định, chức năng tiêu tiểu phục hồi, tạng chậu không còn bị sa.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

PGS.TS Nguyễn Văn Ân nhận định, đây là một trong những ca sa tạng chậu phức tạp nhất được can thiệp thành công trong suốt thời gian làm nghề của mình.

Trung bình mỗi tháng, Khoa Niệu học chức năng của Bệnh viện phẫu thuật từ 5-10 trường hợp sa tạng chậu nhưng ở thể nhẹ hơn. Người bệnh thường từ độ tuổi trung niên, sinh nở nhiều lần. Sa tạng chậu không được can thiệp, người bệnh sẽ khó tiểu, són tiểu, khó đi cầu (do táo bón lâu ngày), nặng tức vùng chậu, chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề…

Sa tạng chậu là tình trạng một hoặc nhiều cơ quan ở vùng chậu (tử cung, bàng quang, trực tràng, thành trước hoặc thành sau âm đạo) bị tụt ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường do sự tổn thương và suy yếu của các cấu trúc cân cơ, dây chằng nâng đỡ sàn chậu. Đây là một trong những rối loạn sàn chậu thường gặp nhất ở phụ nữ trước và sau sinh.

Sàn chậu là tổng thể cấu thành từ 3 hệ thống gồm hệ thống sinh dục (tử cung và âm đạo), hệ thống niệu dưới (niệu đạo và bàng quang) và hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng và hậu môn). Ngoài ra, sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống thần kinh và mạch máu. Chính cấu tạo đó khiến đây được ví như một “cái võng” hình thành từ nhiều khối cân cơ đan xen nhau. Khối cân cơ này sẽ bám chắc vào thành bụng, xương mu, xương chậu hông, cột sống thắt lưng và xương chậu cùng cụt.

Nhiệm vụ chính của cơ sàn chậu là giữ cho các cơ quan nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi vận động, chạy nhảy hoặc làm việc nặng; đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo và hậu môn, kiểm soát hoạt động tiểu tiện và đại tiện theo ý muốn; giúp đời sống tình dục thăng hoa, quá trình sinh nở dễ dàng…

Khi bị sa tạng vùng chậu, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, đại tiện; đau vùng lưng dưới hoặc tức, nặng vùng chậu; xuất huyết âm đạo bất thường; có khối phồng thò ra khỏi âm đạo… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý người bệnh.

40% phụ nữ từ 40 tuổi bị ảnh hưởng sa tạng chậu

Các chuyên gia cho biết, sa tạng chậu là hiện tượng các cơ và dây chằng có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan vùng chậu bị suy yếu, khiến các cơ quan này trượt khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến hiện tượng sa tử cung, bàng quang hoặc trực tràng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng này có thể tiến triển nhanh và biến chứng nguy hiểm.

Một nghiên cứu tại Mỹ đã thống kê được:

Trong 16.616 phụ nữ còn tử cung có 14,2% trường hợp sa tử cung; 34,3% trường hợp sa bàng quang và 18,6% sa trực tràng.

Trong 10.727 phụ nữ đã cắt tử cung có 32,9% trường hợp sa bàng quang; 18,3% trường hợp sa trực tràng.

Khuynh hướng sa tạng chậu tăng dần theo thời gian, ước tính có khoảng 11% phụ nữ sống đến tuổi 80 mắc bệnh lý này, một nửa số này sẽ phải can thiệp phẫu thuật vì bệnh tái phát.

Riêng tại Việt Nam, thống kê của Hội Sàn chậu TP.HCM cho thấy, khoảng 40% phụ nữ từ 40 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi bệnh lý sa tạng vùng chậu, thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh, mang thai và sinh nở nhiều lần, thừa cân/béo phì, làm việc nặng, mắc các bệnh lý hô hấp, táo bón mạn tính hoặc có tiền sử từng phẫu thuật vùng chậu.

Sa tạng chậu là căn bệnh “khó nói” nên khi mắc bệnh, nhiều chị em phụ nữ cảm thấy tự ti, mặc cảm, cố chịu đựng khiến bệnh kéo dài, có nguy cơ gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính điều này khiến tình trạng bệnh diễn tiến nặng nề, việc điều trị trở nên tốn kém cũng như đánh mất cơ hội được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Nhiều dạng sa tạng chậu

Sa vùng chậu có thể ảnh hưởng bất kỳ cơ quan nào ở vùng chậu như tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, cũng như bàng quang và trực tràng..., cụ thể là:

Sa bàng quang: Bàng quang tạo thành một chỗ phình nằm phía trước thành âm đạo.

Sa trực tràng kiểu túi: Đoạn cuối của ruột già (trực tràng) phình ra, vượt qua thành sau của âm đạo, thậm chí tụt ra khỏi hậu môn kèm sa niêm mạc hậu môn.

Sa ruột non: Một phần của ruột non tụt xuống từ đỉnh vòm âm đạo, khối sa chứa ruột non.

Sa niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài): Niệu đạo trồi ra mặt trước thành âm đạo.

Sa tử cung: Tử cung tụt xuống âm đạo.

Sa tử cung độ 1: Tử cung tụt ít không đáng kể và chưa ra khỏi âm đạo nên người bệnh không tự nhận biết được sa tử cung, người bệnh có thể có triệu chứng sớm là đau lưng hoặc đi tiểu lắt nhắt nếu kèm sa bàng quang độ 1 đến 2.

Sa tử cung độ 2: Tử cung tụt sâu xuống âm đạo, có thể thấy cổ tử cung thập thò ở cửa hoặc bên ngoài cửa âm đạo.

Sa tử cung độ 3: Phần lớn tử cung đã tụt ra ngoài cửa âm đạo.

Sa tử cung độ 4: Toàn bộ tử cung đã tụt ra khỏi cửa âm đạo.

Sa vòm âm đạo: âm đạo tự sa xuống dưới sau phẫu thuật cắt bỏ tử cung, còn gọi là sa mỏm cắt.

Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh là do quá trình mang thai và sinh nở. Bởi khi mang thai từ 3 tháng cuối trở đi thì sức nặng khối thai nhi – tử cung và tăng áp lực đè lên sàn chậu của quá trình chuyển dạ sinh, các cân cơ có nhiệm vụ hỗ trợ nâng đỡ cơ quan vùng chậu sẽ giãn ra hết mức có thể để việc sinh nở dễ dàng, tuy nhiên chính điều này cũng làm cho các cân cơ nhanh chóng yếu đi hoặc bị tổn thương đứt rách.

Một nguyên nhân khác phải kể đến là sự sụt giảm nồng độ hormone nữ Estrogen trong giai đoạn trước và sau mãn kinh, khiến cơ thể thiếu hụt lượng collagen cần thiết để liên kết các mô vùng chậu.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gồm:

Bệnh lý ho mạn tính hoặc sự gắng sức, rặn mạnh do táo bón;

Sang chấn sản khoa như rặn khi cổ tử cung mở chưa trọn, sinh thủ thuật bị sang chấn hoặc rách tầng sinh môn nhưng không được phục hồi đúng mức;

Các mô nâng đỡ suy yếu khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh;

Tình trạng thừa cân hoặc béo phì, có u xơ lớn hoặc có tiền sử từng phẫu thuật vùng chậu;

Làm các công việc nặng nhọc hoặc gắng sức;

Các cân cơ và dây chằng sàn chậu yếu bẩm sinh.

Điều trị đối với các trường hợp sa tạng chậu nhẹ, người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa, không cần sử dụng phương pháp phẫu thuật. Điều trị nội khoa bao gồm các bài tập sàn chậu (Kegel, Bridge, Split Tabletop,…) giúp tăng cường cân cơ vùng chậu, hoặc đặt vòng nâng (một dụng cụ có thể tháo ra được) bên trong âm đạo nhằm giữ cố định các cơ quan bị sa ở đúng vị trí.

Trong trường hợp cần sử dụng đến phương pháp phẫu thuật, tùy theo mức độ các bác sĩ sẽ chỉ định các phẫu thuật phù hợp để đưa cơ quan bị sa trở về đúng vị trí.

Mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng sa tạng vùng chậu sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, người bệnh dễ mặc cảm và thiếu tự tin.

Sa tạng chậu nếu không được can thiệp điều trị từ sớm, người bệnh sẽ bị rối loạn chức năng tiết niệu, phụ khoa và hậu môn trực tràng. Nếu để bệnh tiến triển nặng nề, nhất là sa tử cung ở mức độ 4 sẽ gây viêm loét, lúc này cần phải can thiệp cắt bỏ hoàn toàn tử cung.

Cách nhận biết sa tạng chậu

Các dấu hiệu của sa tạng chậu xuất hiện dần dần, giai đoạn đầu khó nhận biết. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể cảm giác có khối phình ra bên trong âm đạo. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện như:

Cảm giác căng tức và nặng ở vùng bụng dưới, vùng chậu;

Cảm giác sưng ở âm đạo, có khối u lồi ra bên ngoài âm đạo;

Triệu chứng đau lưng tăng dần trong ngày;

Tiểu không kiểm soát;

Khó tiểu tiện, đại tiện;

Bất tiện trong đi lại hoặc ngồi;

Chảy máu, tăng tiết dịch âm đạo (mặc dù không phải chu kỳ kinh nguyệt);

Không thể hoặc gặp khó khăn khi quan hệ tình dục. Tình trạng có thể khiến đời sống tình dục vợ chồng gặp nhiều khó khăn.

Theo Đời sống
Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng quyền lực trong hai vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn gần đây cho thấy, đồng tiền, lòng tham đã làm lu mờ phẩm chất, sự liêm chính dẫn đến sa ngã trước những “viên đạn bọc đường”.
Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Ngày 24/4, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu với chủ đề “Hiến giọt máu đào -Trao đời sự sống”.
Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Sản phẩm Bath Gel - MM Professional (chai 35ml, số lô 19/10/2023; ngày sản xuất 19/10/2023) của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mỹ Nguyên (Công ty Mỹ Nguyên) bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.
back to top