Phẫu thuật cứu sản phụ bị ung thư gan

Sản phụ bị ung thư gan trong cơn đau nguy kịch khi đang mang thai tuần thứ 32, chị Nguyễn thị P. 31 tuổi đã được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh phối hợp cứu sống.

Kíp phẫu thuật mổ bắt con và cắt u gan cho chị P.

Không mổ ngay sẽ “mất” cả mẹ và con

Trao đổi với Phóng viên KH&ĐS, BS Bùi Minh Cường, Trưởng khoa Phụ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, nhờ được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện có chuyên khoa sâu, trang thiết bị hiện đại… nên mẹ con chị P. đã được cứu sống.

Theo đó, ngày 23/4/2018, Khoa Sản Bệnh – Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị P.(31 tuổi, TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng thai lần hai, 32 tuần 5 ngày (dự kiến sinh 12/6), da niêm mạc nhợt, không phù, đau bụng nhiều hạ sườn phải không rõ nguyên nhân được gia đình cho nhập viện kiểm tra.

Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp CT cho thấy hình ảnh gan to nhiều nhu mô gan phải có khối lớn kích thước 174x154mm, có phần dải xơ và hoại tử dịch ở trung tâm, ngấm thuốc dạng viền thì động mạch, thải thuốc nhanh thì tĩnh mạch cửa, tim thai 145 lần/phút, cơn co tử cung +, cổ tử cung đóng, siêu âm thai nhi khoảng 2.000g. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán thai lần 2, thai 32 tuần 5 ngày, ngôi đầu, thiếu máu U gan và chuyển vào khoa Sản bệnh theo dõi và điều trị tích cực.

Đến ngày 24/4/2018 tại khoa Sản Bệnh, bệnh viện tổ chức hội chẩn toàn bệnh viện do BSCKII Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc BV chủ trì với sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc các chuyên khoa Ngoại, Sản, Phụ, chẩn đoán hình ảnh, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi tỉnh… Sau hội chẩn quyết định điều trị nâng cao thể trạng, truyền máu, giảm đau, truyền đạm, albumin; Chuẩn bị điều kiện thai trên 35 tuần mổ đẻ chủ động; phối hợp chuyên khoa Ngoại Sản xét thắt động mạch gan trong mổ, sinh thiết gan; Trong trường hợp có biến chứng của u gan: Chỉ định mổ cấp cứu ngay cứu thai, xử trí biến chứng cho bệnh nhân.

BS Bùi Minh Cường cho biết, về chuyên môn rất muốn để thai nhi ở trong bụng mẹ thêm ngày nào tốt ngày đó, đặc biệt cố gắng điều trị tích cực đến 35 tuần để đảm bảo an toàn cho bé. Nhưng dù điều trị tích cực bệnh lý toàn thân của mẹ ngày càng nặng, chức năng gan suy giảm, đường máu giảm, gan suy, tình trạng toàn thân yếu, người mệt mỏi thiếu tỉnh táo. Đặc biệt, các chức năng sinh hóa không đảm bảo đủ nuôi thai nhi. Đến ngày, 25/4/2018, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực để hồi sức cho cả mẹ và con.

BS Bùi Minh Cường phân tích, thai 32 tuần đã to, cần lượng máu tuần hoàn lớn trong khi cơ thể người mẹ bệnh nặng không đáp ứng được và người mẹ suy sụp nhanh. Vào lúc 10h15 phút ngày 26/4/2018, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cơn co tử cung; qua hội chẩn chuyên khoa các Bác sĩ chỉ định chuyển mổ cấp cứu bệnh nhân nếu không cả mẹ và con sẽ khó bảo toàn tính mạng.

Sản phụ bị ung thư gan sau phẫu thuật.

Tận lực nhiều khoa cứu cả mẹ và con

Theo BS Cường, khi sản phụ bị ung thư gan trong tình trạng nguy kịch, toàn bộ các khoa trong bệnh viện được huy động: khoa Ngoại – Sản – Phụ – Gây mê – Hồi sức cấp cứu, sinh hóa, máu… đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất, tốt nhất cho sản phụ và đã thực hiện thành công. Trong khi ê kíp sản khoa mổ bắt con thì các bác sĩ ngoại cũng vào cuộc kiểm tra gan, dạ dày, lách… cho bệnh nhân. Kíp phẫu thuật Sản khoa do BS Bùi Minh Cường – Trưởng khoa Phụ; BS Hà Thị Diễm Hằng – Trưởng khoa Sản bệnh thực hiện; sau 5 phút kíp phẫu thuật lấy ra 01 nhi trai, nặng 2.300gr, khóc được, chuyển khoa sơ sinh theo dõi.

Kíp phẫu thuật Ngoại Sản do BS Nguyễn Quốc Hùng – GĐ bệnh viện; BS Trần Quý Khánh – Khoa Sản bệnh thực hiện kiểm tra dạ dày, lách và các quai ruột không phát hiện bất thường; tiến hành kiểm tra gan thấy kích thước to, gan phải to thay đổi màu sắc, mật độ tổ chức u chiếm gần hết nhu mô gan, tiến hành cắt gan phải 2cm mặt trên gan gửi giải phẫu bệnh…

Theo BS Bùi Minh Cường, nhìn trên lâm sàng khối u gan là ung thư nhưng để chính xác cần có kết quả giải phẫu. Hiện tại sau mổ, em bé được theo dõi ở Khoa sơ sinh với tình trạng thở máy, tiên lượng tốt, có thể xuất viện trong một vài tuần tới. Sức khỏe sản phụ hiện tại ổn, chờ tốt lên sẽ cân nhắc các biện pháp điều trị.

“Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con, trước khi mang thai nên kiểm tra sức khỏe tổng thể. Khi có thai thai phụ cần khám thai định kỳ theo chu kỳ và theo đúng chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm các bệnh lý liên quan. Bởi không chỉ khối u mới gây nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi mà các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa: huyết áp, tim mạch, tiết niệu, ung thư… đều nguy hiểm. Khám định kỳ ở các cơ sở chuyên khoa sâu sẽ phát hiện sớm và tư vấn, điều trị kịp thời đảm bảo an toàn cả mẹ và con tránh tình trạng bệnh nặng mới cấp cứu đến viện như trường hợp chị P., nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và bé” – BS Bùi Minh Cường khuyên.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top