Phát triển năng lượng tái tạo ồ ạt: Lưới điện không "lớn" kịp

(khoahocdoisong.vn) - Điện mặt trời, điện gió phát triển ồ ạt vượt gấp hàng chục lần so với quy hoạch đã dẫn tới tình trạng quá tải cho lưới truyền tải. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải yêu cầu các nhà đầu tư của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận giảm phát điện do quá tải lưới điện.

Nghịch lý: điện thiếu nhưng phải giảm phát điện

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vài ngày trước, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) bày tỏ phản ứng vì bị ép cắt giảm công suất phát điện. Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch BTWEA cho biết, trong tháng 6, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã yêu cầu các dự án điện gió phải cùng cắt giảm 38-64% công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới. "Cắt giảm thế này chúng tôi chắc chắn lỗ, chưa kể phải trả nợ nước ngoài" - ông Thịnh lo lắng.

Không riêng dự án điện gió, ngay các dự án điện mặt trời vừa đưa vào vận hành cũng phải giảm phát. Đại diện một nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Hữu (Ninh Thuận) cho hay, ngày nào cũng nhận được văn bản của Trung tâm Điều độ điện Quốc gia (A0) đề nghị cắt giảm 30-60% công suất. Việc này, theo ông sẽ ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án.

Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết, một số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn phải cắt giảm phần lớn công suất phát điện, theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ điện Quốc gia (A0). Theo quy hoạch tới năm 2020, Ninh Thuận được duyệt 2.000 MW dự án năng lượng tái tạo, trong đó có mặt trời, nhưng thiết kế lưới truyền tải khu vực này chỉ chịu được tối đa công suất 800-1.000 MW. Tới cuối tháng 6, tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh này được đấu nối là 1.300 MW, trong đó gần 1.090 MW là điện mặt trời.

Ông Vĩnh cho rằng, cần có giải pháp lâu dài để không gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Hiện nay, hàng loạt các chủ đầu tư điện tái tạo đang sống trong “lo lắng” vì điện sản xuất ra không hòa được lưới điện, phải giảm phát điện, đảo lộn kế hoạch tài chính của dự án. Trong khi đó, gần đây, để đảm bảo cung cấp điện với mức tiêu thụ tăng rất cao trong những ngày nắng nóng diện rộng trên khắp cả nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải thường xuyên huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao, từ 3.500 đến 5.000 đồng/kWh.

Theo Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, hiện có gần trăm nhà máy điện mặt trời vận hành trong thời gian trước ngày 30/6. Riêng 6 tháng năm 2019, có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời lên tới gần 4.500 MW (trong khi công suất nguồn điện cả nước là 45.000 MW).

Số lượng nhà máy đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian ngắn là điều "chưa từng có trong lịch sử" ngành điện. Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất. Ninh Thuận có 15 nhà máy với tổng công suất hơn 1.000 MW. Bình Thuận có 19 nhà máy với tổng công suất 871 MW. Vì thế, đây là nơi tình trạng quá tải lưới điện diễn ra trầm trọng. Nhiều máy biến áp, trục đường dây ở mức quá tải tới hơn 200%. Điển hình như đường dây 110kV Tháp Chàm - Hậu Sanh - Tuy Phong - Phan Rí quá tải tới 260-360%...

Theo TS Hoàng Trung Kiên, Giảng viên Khoa Năng lượng, Trường ĐH Khoa học & Công nghệ Hà Nội, hiện trạng phát triển năng lượng ồ ạt thiếu quy hoạch là quá tải lưới điện đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu. "Chẳng khác gì đầu tư một đàn bò sữa nhưng lại thiếu hệ thống vắt và chế biến sữa. Nếu không có biện pháp giải quyết sớm, đến năm 2020 tình hình ngày càng trầm trọng hơn. Khi đó, nguy cơ sự cố, rã lưới điện là rất cao (sụp đổ điện áp và hệ thống lưới điện do phụ tải tăng lên đột ngột lớn – PV)" - TS Kiên cho biết.  

Cần khẩn trương nâng cấp hạ tầng lưới điện

Việc buộc phải giảm phát trên khiến nhiều nhà đầu tư dự án điện mặt trời lo lắng. Theo các chuyên gia, trước mắt Chính phủ cần có cơ chế đặc thù nâng cấp hạ tầng lưới điện để giải tỏa hết sản lượng điện cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phù hợp để lĩnh vực này tiếp tục phát triển.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp Các hội KHKT VN), đề xuất: “Để xử lý ngay trước mắt tình trạng này, Bộ Công thương cần báo cáo với Chính phủ cho cơ chế đặc thù để xây dựng các tuyến đường dây truyền tải mới giải tỏa công suất”. Bên cạnh đó, EVN cần đánh giá các kịch bản sa thải nguồn điện tái tạo. Công bố rộng rãi các danh mục dự án truyền tải cấp bách để Bộ Công thương xem xét trình Chính phủ bố trí vốn, kể cả việc xem xét chủ trương góp vốn mô hình hợp tác công - tư (PPP) để xây dựng đường dây truyền tải điện.

Hiện nay, công suất các nhà máy điện mặt trời đã đạt khoảng 10% tổng công suất hệ thống và vượt nhiều lần so với mục tiêu năng lượng tái tạo vào năm 2020. Bên cạnh đó cần nghiên cứu thêm việc đầu tư pin lưu trữ ở quy mô lớn. 

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho hay EVN phấn đấu bằng mọi cách sẽ giải tỏa hết công suất các nhà máy ĐMT vào cuối năm 2020 và trong 2 năm tới. EVN sẽ bỏ ra hàng chục nghìn tỉ đồng để đầu tư lưới, nhằm ưu tiên tối đa giảm việc yêu cầu các dự án ĐMT giảm công suất phát. Hiện nay, EVN đã giao Tổng công ty truyền tải và Tổng công ty điện miền Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án, đơn cử như nâng cấp mạch 1 đường dây Tháp Chàm - Phan Rí xong trước tháng 9.2019, mạch 2 sẽ thay đường dây có tiết diện 300 mm cố gắng đưa vào trước tháng 4.2020...

Ngày 5.7, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã có cuộc họp với nhiều bên để đốc thúc tiến độ các dự án, sớm kéo giảm tình trạng buộc các nhà máy điện tái tạo phải giảm công suất. Tuy nhiên, hầu hết các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung ở các khu vực xa trung tâm, nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ rất thấp. Điện mặt trời có thể xây dựng chỉ khoảng 6-12 tháng, trong khi đầu tư lưới điện truyền tải cần 3-5 năm, nên với số lượng các dự án có quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch sẽ gặp khó khăn để truyền tải. Chưa kể, theo quy định của Chính phủ, lưới điện đấu nối từ dự án điện gió, mặt trời đến điểm đấu nối vào lưới quốc gia thuộc trách nhiệm của các chủ đầu tư. Tuy nhiên khi các dự án tập trung và phát triển với mật độ cao ở một số khu vực thì trách nhiệm đầu tư nâng cấp lưới điện truyền tải lại chưa được quy định rõ.

EVN sẽ kiến nghị phát triển đồng bộ giữa lưới điện và nguồn điện, đồng thời đề xuất Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Qui hoạch phát triển điện lực Quốc gia các công trình lưới điện truyền tải cần thiết để phục vụ giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top