Chị Nguyễn Thị M. (Hà Nội) sinh con thứ 2 được 3 tháng, cháu khỏe mạnh nhưng không thấy có phản ứng với âm thanh, kể cả tiếng động lớn. Đưa con đi sàng lọc thính lực chị mới biết con bị khiếm thính. Rất may chị phát hiện kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới con.
Lời bàn: Theo TS.BS Đinh Thúy Linh, Phó Giám đốc Trung Tâm Sàng Lọc, Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh, cứ 1.000 trẻ thì có 1 trẻ bị khiếm thính ở 1 hoặc cả 2 tai. Ngay cả trong trường hợp bố mẹ hoặc người thân trong gia đình không bị khiếm thính thì trẻ sinh ra vẫn có thể mắc bệnh này. Hơn nữa, tình trạng mất hoặc giảm thính lực bẩm sinh không thể được phát hiện thông qua siêu âm thai hay các biện pháp sàng lọc trước sinh. Do đó, việc sàng lọc thính lực sau sinh là cần thiết để phát hiện tình trạng này.
Trẻ bị mất thính lực còn có thể đối diện với nguy cơ không thể phát âm. Việc sàng lọc thính lực sau sinh sẽ cho phép phát hiện sớm tình trạng này, từ đó có những giải pháp can thiệp để trẻ có một cuộc sống khỏe mạnh sau này.
Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi phải ứng âm thanh của trẻ sau sinh và nên đưa trẻ đi sàng lọc để có thể phát hiện các dấu hiệu của tình trạng mất hoặc giảm thính lực. Hiện nay, có 2 phương pháp sàng lọc đang được áp dụng phổ biến là: Đo lường âm thanh từ ốc tai và đánh giá đáp ứng âm thanh của cuống não.