Chuyên gia, doanh nghiệp phản đối
Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến có nhiều điều chỉnh so với bản dự thảo vào tháng 3/2021.
Trong đó, nội dung đáng chú ý, Bộ Công Thương cho rằng, với nhu cầu nhiệt điện than tới năm 2030, công suất đạt vào khoảng 40.650MW, tăng hơn 3.070MW so với tờ trình trước.
Một nguồn điện khác cũng tăng là thủy điện, nhưng không đáng kể, với hơn 600MW. Các loại nguồn tuabin khí hỗn hợp và nhiệt điện khí dùng LNG vẫn giữ nguyên (gần 14.800MW). Điện mặt trời cũng giữ nguyên với mức 18.640MW.
Ở chiều ngược lại, công suất đặt của điện gió giảm tới xấp xỉ 4.200MW, trong đó điện gió ngoài khơi giảm 2.000MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh (giai đoạn đến 2030). Điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác cũng giảm khoảng 2.000MW.
Lưu ý, hiện nay các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt khoảng 17.369MW (chiếm tỷ lệ 25% công suất lắp đặt hệ thống) nhưng Dự thảo lại đưa ra con số chỉ sản xuất sản lượng điện năng khoảng 4,63% tổng điện năng sản xuất toàn hệ thống
Dự thảo này đã vấp phải phản đối của nhiều nhà khoa học và tổ chức trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu .
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ nhận định, dự thảo quy hoạch này tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là đi ngược lại nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với thách thức lớn khi châu Âu và Bắc Mỹ sẽ áp trần tỷ trọng sử dụng điện sạch trong tổng điện chung để tạo ra sản phẩm xuất khẩu trong năm 2022.
Do đó, dự thảo vẫn đặt cược vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021 - 2030), và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035 - 2045, sẽ là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi nhất - ý kiến nhiều chuyên gia đánh giá.
Bà Nguỵ Thị Khanh, đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết, nội dung của bản dự thảo mới đưa ra, tăng nhiệt điện than, giảm năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện không phản ánh được tinh thần của Nghị quyết 55-NQ/TW, trái với chính các quan điểm, mục tiêu của Quy hoạch, đi ngược với các phát ngôn của lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, cũng như xu hướng chung trên thế giới.
Bà Khanh cho rằng, Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, năng lượng tái tạo trong vài năm qua đã phát triển “nóng”, với hàng trăm dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hàng chục dự án đã đi vào hoạt động và đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia. Đến nay vẫn còn không ít dự án năng lượng tái tạo đang chờ phê duyệt hoặc chờ được khởi công.
Với những số liệu về năng lượng tái tạo được nêu trong dự thảo này, không ít doanh nghiệp năng lượng tái tạo đứng ngồi không yên. Nếu dự thảo được thông qua thì đồng nghĩa với việc rất nhiều dự án đang triển khai nghiên cứu sẽ không “đủ chỗ”.
Ví dụ, riêng dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) vừa liên tục công bố ký kết các hợp đồng khảo sát địa chất với các nhà thầu trong nước đã có công suất lên tới 3.500MW. Hay một dự án khác cũng được truyền thông rầm rộ thời gian qua là điện gió Thăng Long (Kê Gà, Bình Thuận) có công suất 3.400MW...
Bộ Công Thương cho rằng hợp lý
Cụ thể, Bộ Công Thương cho rằng, Quy hoạch điện VIII đã được xây dựng bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII so với Quy hoạch Điện VII đã giảm khá nhiều điện than, trong khi năng lượng tái tạo đã được tăng lên đáng kể: Tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.000MW.
Dự thảo nêu rõ, Quy hoạch điện VIII hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư và được đánh giá có tính khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII.
Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% vào năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.
Hiện nay, tỷ trọng năng lượng tái tạo đưa lên lưới lớn đã gây ra nhiều bất cập trong việc vận hành hệ thống điện, hiệu quả không cao. Dù công suất lắp đặt bùng nổ mạnh, chiếm tới 30%, nhưng sản lượng phát điện chỉ đạt khoảng 12% tổng sản lượng.
Trong khi đó, nhiệt điện có những ưu thế trong vận hành, đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn trong vận hành và gần như rất ít rủi ro, do đó chưa thể bỏ ngay lập tức nhiệt điện than
Đại diện Bộ Công Thương, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỷ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Theo đó, năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000MW hiện nay lên tới 31.600MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Điều này lý giải tại sao tăng công suất điện than hơn 3.000MW. Theo ông Dũng, là để phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ tăng nhanh.
Cụ thể, nguồn điện than này chủ yếu sẽ được cung cấp cho miền Bắc trong giai đoạn xây dựng đường dây truyền tải điện từ miền Trung ra. Bộ Công thương dự tính, đến năm 2030, các đường dây này sẽ hoàn thành và điện cấp cho miền Bắc sẽ là từ các dự án điện tái tạo ở miền Trung đẩy ra.
Điều này cũng đảm bảo yêu cầu rà soát của Chính phủ về đầu tư nguồn điện hợp lý, tránh đầu tư lãng phí, cân đối theo vùng miền, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.