Phải sản xuất được văcxin dịch tả lợn châu Phi

(khoahocdoisong.vn) - Việc bước đầu tạo ra được mẫu văcxin vô hoạt phòng chống dịch tả lợn châu Phi đầu tiên có kết quả khả quan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang có những nghiên cứu cần thiết khác với mục tiêu sản xuất được thành công văcxin này.

Thành công trong phòng thí nghiệm

PGS.TS Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu, thử nghiệm để tiến tới sản xuất văcxin dịch tả lợn châu Phi đang cho những kết quả khả quan. Bởi hiện nay, thế giới cũng chưa sản xuất được văcxin dịch tả lợn châu Phi thương mại trong khi thiệt hại do dịch bệnh này rất lớn. Ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, dịch đã xuất hiện ở 61 tỉnh thành, làm tiêu hủy 2,8 triệu con lợn, chiếm khoảng 10% tổng đàn. Đây là một thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi lợn nước ta.

Các nhà khoa học đã phân lập và sàng lọc, lựa chọn những chủng virus gây bệnh từ thực địa để nghiên cứu sản xuất văcxin phòng bệnh. Bước đầu đã nghiên cứu, sản xuất được một số mẫu văcxin vô hoạt từ chủng virus DTL châu Phi phân lập từ thực địa, thử nghiệm trên lợn tại quy mô thí nghiệm cho kết quả khả quan. Dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và bùng phát rất nhanh, lây lan trên diện rộng. Chúng ta chưa có kinh nghiệm về bệnh này, do vậy, việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. 

Trước đó, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công KIT chẩn đoán nhanh dịch bệnh, nghiên cứu sản xuất thành công văcxin vô hoạt phòng bệnh tai xanh. Văcxin này đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm quy mô công nghiệp. Hiện quá trình hoàn thiện và thương mại hóa văcxin bị chậm lại là do chúng ta chưa có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III để tiến hành những thử nghiệm quan trọng khi nghiên cứu về vi sinh vật.

Sẽ có văcxin trong 1-2 năm tới

PGS.TS Nguyễn Bá Hiên cho biết, để tiến hành những nghiên cứu nhằm khống chế dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, các nhà khoa học đang triển khai nhiều hướng nghiên cứu khác nhau và khá toàn diện. Việc tạo ra được mẫu văcxin vô hoạt đầu tiên có kết quả khả quan sẽ tiếp tục những nghiên cứu cần thiết khác với mục tiêu sản xuất được thành công văcxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.  Điều này trước hết là khống chế được thiệt hại do bệnh, sau đó đánh giá được bước tiến nổi trội về khoa học trong lĩnh vực sinh học. Nhưng cũng cần xác định rõ đây là đề tài rất khó, cần quá trình nghiên cứu bài bản, công phu và lâu dài.

Mấu chốt của việc sản xuất thương mại loại văcxin này là tìm ra được môi trường sinh học phù hợp để virus có thể thích ứng, nhân lên được. Nhân được virus lên với số lượng nhiều thì mới có thể sản xuất được văcxin ở quy mô lớn. Đây là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa tìm ra được loại môi trường này. Tuy nhiên, từ khi có tế bào nuôi virus thích hợp đến khi sản xuất thành công văcxin phải mất ít nhất hai năm nghiên cứu và thí nghiệm theo đúng quy trình.

“Chúng tôi xác định phải tập trung nguồn lực để làm, càng sớm càng tốt. Văcxin ra đời sớm ngày nào thì tốt ngày đó bởi những thiệt hại mà dịch tả lợn châu Phi gây ra đang gây điêu đứng cho nông dân và thiệt hại khủng khiếp cho nền kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Bá Hiên cho biết.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top