Chống dịch tả lợn Châu Phi: Thủ tướng yêu cầu các địa phương cấu trúc lại ngành chăn nuôi

(khoahocdoisong.vn) - Nghị quyết 42/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành có nêu rõ một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống Bệnh dịch tả lợn Châu Phi như: Hỗ trợ kinh phí phòng, chống Bệnh dịch tả lợn Châu Phi; kiểm tra đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi; khuyến khích mua lợn sạch, không nhiễm bệnh để tiêu thụ, cấp trữ đông; thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác cho người dân.

Ngoài việc hỗ trợ kinh phí đúng mức, đúng đối tượng trước ngày 25/6/2019, Chính phủ cũng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,... để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân, xây dựng Đề án tái phát triển đàn lợn khi bệnh Dịch tả lợn Châu phi được khống chế.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, thịt lợn và thịt gia cầm (chủ yếu là gà) chiếm tới 90% nhu cầu tiêu thụ thịt hàng năm của cả nước. Trong đó, thịt lợn đóng vai trò chủ chốt trong ngành chăn nuôi. Đây là đặc thù và là thói quen tiêu dùng của người dân nên khi thịt lợn có biến động thì đòi hỏi phải có sự thay đổi, từng bước đa dạng hóa rổ thực phẩm thịt, trong đó có việc phải từng bước nâng cao cơ cấu tiêu dùng thịt gia cầm trong thời gian tới.

Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài dai dẳng, thời gian khôi phục ngành hàng thịt lợn sẽ còn lâu dài. Nếu 2-3 năm tới, ngành hàng thịt lợn trong nước mới có thể khôi phục được hoàn toàn sản xuất thì nguy cơ thịt lợn, thịt gia cầm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng cao. Vì vậy, việc đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, nhất là gà không chỉ có vai trò thay thế cho nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ năm 2020, Luật Chăn nuôi sẽ chính thức có hiệu lực. Đây sẽ là cơ hội, điều kiện hết sức thuận lợi để chăn nuôi nói chung, trong đó có gia cầm phát triển cũng như cơ cấu lại toàn ngành chăn nuôi, nhất là về phương thức chăn nuôi. Cụ thể với phương thức chăn nuôi, Việt Nam tất yếu và nhất thiết phải chuyển dần sang quy mô lớn, chăn nuôi có điều kiện, đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, chứ không thể nhỏ lẻ, nguy cơ dịch bệnh như hiện nay. Đây là định hướng dài hơi, cần phải làm từng bước nhằm đảo bảo hài hòa sinh kế cho người dân chứ không thể ngày một ngày hai là làm được ngay.

Theo Đời sống
back to top