PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Không có chuyện tiêm văcxin cho trẻ em để bảo vệ người lớn

Việc tiêm văcxin cho trẻ em là để bảo vệ chính sức khỏe của các em, không có chuyện tiêm văcxin cho trẻ là để bảo vệ người lớn.

Phụ huynh hoang mang trước nhiều luồng thông tin

Chị Nguyễn Diệu Thùy (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, trong những ngày gần đây, thông tin chị đặc biệt quan tâm là việc bao giờ con được trở lại trường và tiêm văcxin cho trẻ em.

Ngày nào chị cũng lên mạng tìm hiểu, nhưng nhiều luồng thông tin khác nhau khiến chị cảm thấy không an tâm. Chị có đọc được ý kiến nói rằng, bản chất của việc tiêm văcxin cho trẻ em là để bảo vệ người lớn, không lây sang cho người lớn.

Nhưng điều đó là vô nghĩa. Bởi kể cả trẻ tiêm rồi vẫn có khả năng lây cho người lớn. Trong khi đó, trẻ em khi bị mắc COVID-19 ít có nguy cơ đe dọa tính mạng (ngoại trừ trẻ em bệnh nền). Cho nên, không nhất thiết phải tiêm cho trẻ em.

“Nói chung thông tin phải thực sự rõ ràng để các phụ huynh cân nhắc, lựa chọn, chứ như bây giờ vẫn hoang mang lắm”, chị Thùy nói.

Anh Nguyễn Trung Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con trai lớn của anh năm nay 13 tuổi, bắt đầu ở tuổi dậy thì. Liệu tiêm văcxin có ảnh hưởng gì tới sự phát triển của con không, có an toàn, không tiêm văcxin có thể đến trường không… là những điều anh băn khoăn.

Theo anh, các con còn cả tương lai phía trước. Nếu có sai sót gì thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Cho nên, anh sẽ cân nhắc, chưa quyết định.

Hôm nay, TPHCM công bố kế hoạch tiêm văcxin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, thế nhưng đến thời điểm này, mọi thông tin liên quan đến tiêm cho trẻ em cũng chưa khiến anh thấy đầy đủ.

Anh rất mong các con đến trường được an toàn, nhưng trước hết, biện pháp để bảo vệ cho trẻ em – tiêm văcxin an phải an toàn, nếu không sẽ thành “phản tác dụng”.

Phụ huynh Nguyễn Diệu Thùy chia sẻ những băn khoăn về tiêm vắc xin cho trẻ em.

Có văcxin tốt mới tiêm cho trẻ, không nên vội vàng

Trao đổi với PV KH&ĐS, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu có văcxin tốt thì tiêm cho trẻ em, tuy nhiên, không nên vội vàng và tiêm có lộ trình, ưu tiên theo nhóm.

Bởi thực tế qua các đợt dịch cho thấy, số trẻ em bị mắc COVID-19 thấp, triệu chứng nhẹ. Những trẻ bị nặng đều là những trẻ có bệnh lý nền, trong đó có béo phì.

Ngoài ra, cho đến thời điểm này, thời gian phát triển văcxin mới có 1 - 2 năm, không thể biết chắc chắn được ảnh hưởng lâu dài lên cơ thể con người như thế nào, nhất là, đối với cơ thể trẻ em đang phát triển, chưa hoàn thiện.

Hiện nay, cũng chưa có một nhà khoa học nào nói rõ ràng về các nguy cơ của việc tiêm văcxin, bởi chưa đủ thời gian kiểm chứng tác dụng phụ.

Cho nên, cần thận trọng. Trước mắt, trong tình huống khẩn cấp thì nên ưu tiên tiêm cho nhóm trẻ có bệnh nền, sức khỏe yếu, trẻ em béo phì và cho trẻ từ 17 – 18 tuổi trước, sau đó đến các em nhỏ hơn.

Và khi tiêm văcxin cho trẻ em, Bộ Y tế phải đảm bảo văcxin đó thực sự an toàn, được thông qua bởi hội đồng tư vấn và chịu trách nhiệm về việc này.

Ông Nga cho rằng, việc tiêm hay không tiêm là thuộc quyền quyết định của phụ huynh. Và không nhất thiết phải tiêm phủ toàn bộ văcxin thì mới cho trẻ đến trường. Bởi khi đã xác định sống chung với COVID-19 thì không thể giữ hoàn toàn không có học sinh F0. Và tiêm rồi cũng vẫn có khả năng mắc và lây nhiễm.

Thay vào đó, nên thực hiện tốt các biện pháp 5K cũng như tiêm văcxin cho người lớn thì sẽ bảo vệ trẻ.

Về thông tin cho rằng, tiêm vắc xin cho trẻ là để bảo vệ người lớn, ông Nguyễn Huy Nga cho biết, tiêm văcxin là để bảo vệ chính sức khỏe của các em, không có chuyện tiêm văcxin để bảo vệ người lớn. Nói như vậy là vô nhân đạo, vô đạo đức.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top