Trong quả ổi có chứa nhiều pectin và vitamin C. Trong lá và búp non có chứa tannin, pyrogalic, axit psiditanic và tinh dầu, trong hạt có chất dầu đặc quánh, có mùi thơm đạm và tinh bột.
Theo sách cổ, ổi có vị ngọt, chát, tính bình, đi vào kinh đại trường và kinh tâm. Quả ổi xanh có tác dụng chữa bệnh đi ngoài. Người có máu nhiệt thì không nên ăn ổi xanh vì sẽ gây ra bệnh táo bón. Quả ổi chín có tính nhuận, ăn ngon, mùi thơm quyến rũ. Khi mùa ổi chín người ta còn làm mứt đóng hộp xuất khẩu. Cả cây ổi đều có tác dụng chữa bệnh. Lá và búp non chữa rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra nước. Vỏ cây, rễ cây và thân cây dùng chữa đi ngoài, rửa vết thương, lở loét, ngứa ngoài da.
Chữa nhồi máu cơ tim: Theo nghiên cứu quả ổi có tác dụng giảm mỡ máu, tiêu mỡ trong thành ruột do đó làm hạ lipit máu, chống xơ vữa động mạch (trong lòng động mạch không còn tế bào tự do di chuyên nên không tạo thành cục máu đông, từ đó không gây tắc mạch tim và mạch não).
Chữa lở loét, viêm da, rôm sẩy: Lá ổi non tươi dùng 1 nắm rửa sạch, cho vào nồi nước đun lên sôi 5 phút đem xông toàn thân rồi tắm. Khi dùng cho thêm một chút muối cho tăng cường hiệu quả.
Chữa bệnh bạch đới: Đây là bệnh phụ khoa hay gặp ở phụ nữ. Dùng 30g búp ổi, 30g vỏ ve sầu (thuyền thoái), 30g rễ cỏ tranh cho vào sắc với 500ml nước còn 200ml cho ra uống trong ngày, chia 3 lần.
Chữa đi ngoài phân lỏng: Lá ổi, búp ổi non 30g, lá khổ sâm 12g, củ gừng 8g, tất cả cho vào nồi sắc với 500ml nước còn 200ml uống trong ngày, chia 3 lần.
BS Đức Quang (Vĩnh Hồ, HN)