Anh Nguyễn Tiến Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để xe tại bãi từ khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sáng 9/8, anh có việc phải lên cơ quan (đã có giấy đi đường) nhưng khi ra bãi xe thì phát hiện ô tô bị thủng lốp.
Chưa thay lốp dự phòng bao giờ, các cửa tiệm sửa xe xung quanh lại đóng cửa, do việc gấp, anh Minh đành để xe lại bãi, quay về mượn xe máy của vợ để đến cơ quan.
Nếu hết ắc quy hay nổ lốp giữa đường, chủ xe có thể liên hệ cứu hộ giao thông.
Trường hợp của anh Minh là rất nhẹ bởi xe chỉ bị thủng lốp, hết hơi, nếu biết cách thay thế lốp dự phòng có thể khắc phục được ngay. Tuy nhiên, một số chủ xe hỏng hóc nặng hơn, hoặc cần sửa chữa xe để đi đăng kiểm thắc mắc, giãn cách xã hội, xe gặp sự cố thì phải làm thế nào?
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Minh, Giám đốc Cứu hộ giao thông ABC cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, cứu hộ giao thông vẫn được phép hoạt động bởi các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu hay xe hỗ trợ chống dịch vẫn hoạt động, khi gặp sự cố trên đường vẫn cần có cứu hộ giao thông. Trong trường hợp chủ xe gặp sự cố tại Hà Nội, các xe cứu hộ giao thông vẫn có thể sửa chữa nhanh một số thứ như thay lốp, hay câu bình ắc quy.
Giá thay lốp cao nhất khoảng 300.000 đồng đối với xe tải và xe con thì rẻ hơn khoảng 1 nửa. Còn nếu câu bình thì dao động từ khoảng 100.000 – 150.000 đồng.
“Hiện tại thời điểm giãn cách xã hội, công ty có khoảng 10 xe vẫn hoạt động cứu hộ giao thông tại Hà Nội. Nếu trước khi chưa giãn cách, mỗi xe ngày thực hiện việc cứu hộ từ 2 – 3 lần song nay giãn cách, ít phương tiện di chuyển nên mỗi ngày mỗi xe chỉ thực hiện cứu hộ khoảng 1 lần.
Trong trường hợp xe gặp sự cố nặng hơn không phải như thủng lốp hay câu bình, cần phải đi sửa chữa thì sẽ được cứu hộ đưa đến các cơ sở bảo hành bảo dưỡng chính hãng (nếu được yêu cầu) bởi hiện nay các garage tư nhân đã đóng cửa. Việc cứu hộ cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, khi đưa xe đến các cơ sở bảo hành bảo dưỡng chính hãng, việc có sửa xe ngay hay không, hoặc phải để xe lại chờ hết giãn cách xã hội mới sửa là việc của các cơ sở đó với chủ xe”, ông Minh cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Xe Giao thông, tại Hà Nội hiện nay, khi thực hiện giãn cách xã hội, các garage, xưởng sửa chữa tư nhân đã đều đóng cửa. Một chủ cơ sở chuyên sửa chữa xe Mercedes-Benz tư nhân tại Thanh Xuân cho biết, tuân thủ theo Chỉ thị về giãn cách xã hội thì phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, nếu khách hàng có yêu cầu cần cứu hộ khi xe gặp sự cố lúc đang lưu thông trên đường, tuỳ trường hợp có thể cố gắng đến để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, việc này rất hạn chế bởi nếu đi đường bị kiểm tra sẽ bị xử phạt.
“Có nhiều khách thân lắm. Biết việc đến tay rồi nhưng vẫn phải từ chối, hẹn khách chờ hết giãn cách xã hội sẽ xử lý sau”, chủ cơ sở sửa chữa chia sẻ.
Tùy vào từng xưởng dịch vụ chính hãng, có thể sẽ ngừng hoạt động hoặc vẫn hoạt động nhưng chỉ cầm chừng, sửa chữa nhanh, đơn giản.
Trao đổi với PV, nhân viên một đại lý Hyundai tại Hà Nội cho biết, đợt đầu khi giãn cách xã hội, xưởng dịch vụ của đại lý vẫn duy trì thợ trực nhưng sau cũng thôi. Hiện nay, nếu khách hàng gặp sự cố trên đường chỉ có thể gọi xe cứu hộ đưa về xưởng. Nhưng phải đợi hết giãn cách xã hội mới có thể sửa chữa được.
Tuy vậy, một số cơ sở bảo hành bảo dưỡng chính hãng khác hiện vẫn đang duy trì thợ trực, sửa chữa xe nhưng chỉ ở mức cầm chừng.
Nhân viên đại lý Mercedes-Benz Haxaco cho biết, có thợ trực nhưng chỉ hoạt động cầm chừng. “Không có khách đến nhưng có đường dây nóng, nếu khách hàng có sự cố gọi đến vẫn sẽ có người tiếp nhận. Đại lý không khuyến khích khách hàng đến bảo dưỡng trong thời gian này. Nhưng nếu khách hàng gặp sự cố cần hỗ trợ có thể gọi cứu hộ đưa xe tới xưởng của hãng. Sửa chữa nhanh thì có thể làm nhưng về cơ bản nếu sửa chữa nặng sẽ phải đợi hết giãn cách xã hội”, nhân viên này nói thêm.
Giám đốc một đại lý chuyên kinh doanh ô tô sản xuất, lắp ráp du lịch cho hay, theo quy định thì xưởng dịch vụ, sửa chữa của đại lý ô tô không được coi là ngành nghề thiết yếu. “Nhưng hiện nay xưởng vẫn có người trực nhưng hạn chế và đảm bảo 5K, sửa chữa cho khách hàng nếu khách bảo hỏng hóc thì vẫn phải sửa chữa nếu thực sự cần thiết. Ví dụ, xe của ban phòng chống dịch hỏng giữa đường, không có thợ sao sửa được. Hay xe đi đăng kiểm nhưng đang hỏng hóc, cần sửa chữa, khắc phục mới có thể đăng kiểm được. Khi đi thực hiện việc sửa chữa thì chỉ cố gắng chứng minh, có giấy điều động của công ty, giấy đi đường của công ty theo mẫu của Thành phố thì mình nghĩ vẫn được chấp nhận. Trừ khi chốt kiểm soát cứng nhắc quá, phạt thì mình cũng phải chịu”, vị giám đốc chia sẻ thêm.
Cũng theo vị giám đốc này, các xưởng sửa chữa xe con có thể ngừng hoạt động nhưng đối với xe tải thì có thể nới lỏng hơn. Bởi các phương tiện này vẫn đi chuyển hàng, thuộc luồng xanh thì vẫn cần phải thay dầu, sửa chữa nếu hỏng hóc. Chỉ có điều là bố trí lượng nhân viên sao cho đảm bảo.