Mối nguy hiểm từ hành động này ai cũng biết, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông khi tài xế không thể quan sát được phần đường phía trước để xử lý tình huống.
Thế nhưng, vẫn có nhiều chủ phương tiện còn cố tình thay đổi kết cấu đèn xe bằng cách độ thêm, thay thế đèn của nhà sản xuất bằng một dạng đèn mới sáng hơn, sáng đến mức gây khó chịu cho người đi đối diện. Không ít vụ va chạm giao thông đã xảy ra chỉ vì cái đèn pha dương cao, thậm chí nhiều tài xế đã động chân, động tay vì không thể kiềm chế nổi.
Phần lớn với những dòng xe mới, hiện đại, nhà sản xuất đã chủ động cải thiện độ sáng của đèn xe khi lưu thông trong đêm tối. Khoảng cách về độ sáng giữa những dòng xe mới và xe cũ đời sâu là rất lớn. Do đó, khi tham gia giao thông những tài xế đi xe cũ luôn phải căng mắt nhìn đường mỗi lần xe có độ sáng cao đi ngược chiều lướt qua.
Đơn cử mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một chiếc ô tô sedan đi trên phố vô tư bật đèn pha, rọi thẳng vào xe SUV đang lưu thông ngược hướng. Đáng nói, do đường nhỏ hẹp, đèn pha từ chiếc sedan đã rọi thẳng vào phía người lái xe SUV khiến người này bị lóa mắt và liên tục nháy đèn pha báo hiệu lại. Mặc dù vậy, người lái chiếc sedan vẫn "làm ngơ" như không biết, không có chuyện gì xảy ra.
Sau nhiều lần ra tín hiệu nhưng tài xế xe sedan không hạ pha, không thể kiên nhẫn được nữa, người này sau đó mở hệ thống đèn "khá gắt" gắn trên xe của mình và rọi ngược lại khiến tài xế chiếc sedan gần như không còn nhìn thấy đường và buộc phải dừng lại và tắt đèn pha.
Sau khi video này được đăng tải trên mạng xã hội, cư dân mạng, đặc biệt là những người thường xuyên lái xe trên đường hay gặp phải tình huống như vậy cảm thấy rất hả hê.
"Hành động pha, cos khi gặp xe đối diện mang tính văn hóa giao thông cũng là hành động nhân văn của con người không cần thầy phải dạy. Xảy ra tình huống như trên đôi khi là sự vô tình hoặc tay lái mới lúng túng trong xử lý gây bức bối cho anh xe SUV. Theo tôi anh tài xế xe SUV nên thông cảm và không phản ứng lại như thế sẽ gây ra mâu thuẫn cho hai bên và nguy hiểm", độc giả Tuấn Trường góp ý.
"Mình đi xe 2 bánh mà thường xuyên gặp tình trạng xe 4 bánh mở đèn pha như thế này, luật quy định mà có ai chấp hành đâu. Ra đường bây giờ mà về đến nhà là mừng rồi còn luôn luôn có trạng thái bực bội. Còn xe có gắn camera mở đèn trả đũa như thế mình chỉ ủng hộ hành động thôi chứ xe này tự ý lắp thêm đèn là sai luật rồi nhé". Độc giả Nhật Minh góp ý.
"Nhiều xe đi buổi tối toàn bật pha, dù có nháy đèn cảnh báo nhưng nhiều người vẫn tiếp tục vì nhiều lý do khác nhau, rồi đâu lại vào đấy thôi", độc giả Đào Anh Tuấn nói.
Một độc giả khác còn liệt kê ra nguyên nhân như sau: "Phần lớn những trường hợp bật đèn pha đi trong phố rơi vào những đối tượng sau đây: phụ nữ, họ không thành thạo và cảm nhận được nên trở thành vô tâm; lái xe mới ra trường, vô tâm vô tính non hiểu biết về kinh nghiệm và luật dù là nhỏ; những người có tính ngang tàng, coi thường luật lệ, biết sai nhưng vẫn cố tình thể hiện".
"Đi trên đường có những người rất vô ý thức khi dương đèn pha vào xe ngược chiều, thậm chí đi đường phố họ cũng bật đèn pha. Tôi không hiểu họ không biết về kỹ năng lái xe hay vì cố tình nhưng dù lý do gì cũng không thể chấp nhận được với những người vô ý thức như vụ việc trong video", độc giả Trần Văn Hùng góp ý.
"Năm 2009 tôi nhận xe mới, xong thủ tục lúc về cũng cỡ 18h. Về quận 3, trên đường đi toàn bị nháy đèn mà mình chẳng biết sao họ nháy đèn và họ dạt vào trong. Về đến Công viên Lê Thị Riêng quận 10 chắc cỡ gần 19h00 gì đó (lần đầu đi xe của mình không dám đi nhanh) thì có ông chạy luôn qua làn của mình chặn xe lại, mình bấm kính xuống lắc tay không hiểu. Ông bạn bảo tắt đèn pha đi ba ơi, mình bảo không biết tắt ở đâu, rồi ông bạn xuống xe tắt dùm cho và cùng bắt tay nhau cười.
Chính lần đầu tiên đó mà chưa bao giờ tôi lặp lại đi trong thành phố và ngay cả đi đường ngoài nếu tầm nhìn cho phép tôi cũng không đi đèn pha. Đến bấm còi tôi đi khắp thành phố còn thường chẳng bao giờ dùng đến. Biết đâu trong những người bật pha đó lại không biết xuống đèn, mong các bác vui vẻ và chỉ giáo giúp họ, tránh mang ức chế đoạn đường còn lại của mình", một độc giả khác chia sẻ.
"Tôi đi thường xuyên bị như vậy. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý người tham gia giao thông. Bật pha trong thành phố bị cấm có trong luật rồi. Tương tự như vượt đèn đỏ hoặc đi vào đường cấm. Việc không đội mũ bảo hiểm, khi xảy ra tai nạn thường chỉ nguy hại cho chính bản thân người đó, mà họ cấm triệt để, đôi khi còn truy đuổi. Bật pha rất nguy hiểm cho người khác, nhẹ nhất là bị chói mắt (ô nhiễm ánh sáng), nặng thì gây tai nạn chết người. Cơ quan chức năng mà cơ bản là lực lượng CSGT cần quan tâm đến vấn đề này", độc giả Doãn Toàn đóng góp ý kiến.
Trọng Trinh