Ô nhiễm không khí, cơ quan quản lý bó tay?

(khoahocdoisong.vn) - TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, rong khi người dân hốt hoảng tìm cách ứng phó thì chưa thấy các cơ quan chức năng có biện pháp nào cụ thể giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, trong khi người dân hốt hoảng tìm cách ứng phó thì chưa thấy các cơ quan chức năng có biện pháp nào cụ thể giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm vượt qua báo động đỏ

Trong các ngày 29,30/9 và 1/10, rất nhiều người sinh sống ở thủ đô Hà Nội “tá hỏa” khi truy cập vào các ứng dụng/địa chỉ quan trắc ô nhiễm không khí. Đặc biệt là sáng ngày 29 và 30/9, chỉ số ô nhiễm không khí ở nhiều nơi vượt qua mức báo động đỏ, chuyển sang màu tím hoặc nâu, là cảnh báo không khí ô nhiễm cực kì nghiêm trọng, không nên di chuyển ra ngoài. Hiện có 2 ứng dụng để đọc thông tin không khí ô nhiễm là ứng dụng của AirVisual (một công ty của Đức có trụ sở tại Thụy Điển), ứng dụng PamAir (của một công ty ở Việt Nam), và thông tin quan trắc của UBND TP Hà Nội tại địa chỉ moitruongthudo.vn.

Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, vào sáng nay 30/9, Hà Nội tiếp tục được ghi nhận là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 272 vào lúc 6h30 sáng. Cùng với Hà Nội, TP HCM đứng ở vị trí thứ 10. Trước đó, vào ngày 29/9, chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội đứng thứ 2 thế giới với nồng độ ô nhiễm AQI là 172, trên cả Bắc Kinh (Trung Quốc) là 160 và Jarkarta (Indonexia) là 158.

Ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí độc lập PAMAir cũng cho thấy tại nhiều điểm đo, cảnh báo ô nhiễm đã vượt qua màu đỏ, chuyển sang màu tím. Cụ thể như tại điểm đo tại Bắc Từ Liêm AQI ở ngưỡng 249, Gamuda garden (Hoàng Mai) ở mức 238, Tây Hồ ở mức 241, Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) ở ngưỡng 204. Một số điểm đo thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Đông Hưng (Thái Bình) AQI ở mức 239, Thái Thụy (Thái Bình), ở ngưỡng 279, Kiến An (Hải Phòng) ở mức 227, Châu Khê (Bắc Ninh) ở mức 229... Điểm đặc biệt của đợt ô nhiễm không khí này là ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào đêm, sáng sớm và chiều tối. 

Tại thông tin quan trắc của Cổng thông tin quan trắc môi trường, UBND TP Hà Nội thì chỉ số không khí ô nhiễm nghiêm trọng đã kéo dài trong nhiều ngày. Cụ thể, sáng 1/10, chỉ số AQI tổng số của Hà Nội là 185, là mức ô nhiễm không khí khá cao. Cá biệt có những điểm ở ngưỡng sấp xỉ chuyển sang báo động màu tím như vị trí đường Phạm Văn Đồng, chỉ số AQI là 199. Tại một số vị trí có chỉ số ô nhiễm cao như Bốt Hàng Đậu là 193, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 185, Láng Hạ 189, Nhổn 194...

Cơ quan quản lý kêu khó?

Trong khi rất nhiều kênh cập nhật chất lượng không khí, nhiều giải pháp ứng phó với ô nhiễm không khí được người dân tìm hiểu áp dụng, thì về phía chính quyền, gần như chưa có động thái nào nhằm giảm thiểu tình trạng này. Nhận định thêm về việc đảm bảo chất lượng không khí khi xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch cũng cho rằng Hà Nội và TPHCM đã có một số nền tảng về môi trường để phù hợp với định hướng xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, 2 thành phố này hiện có hạ tầng gồm hệ thống mạng, đường truyền 4G, 5G, thiết bị cảm biến để nhận biết tình trạng ô nhiễm không khí. Các ứng dụng, phân tích số liệu như phần mềm, mô hình, AI, dữ liệu big data cũng hỗ trợ rất lớn để cơ quan chuyên môn đưa ra các đánh giá chính xác về chất lượng không khí. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy, Hà Nội và TPHCM vẫn còn nhiều lúng túng trong việc giúp người dân tiếp cận các thông tin về chỉ số quan trắc chất lượng môi trường, ông Tùng nhận định.

Theo chuyên gia này, cơ quan chuyên môn của cả 2 thành phố vẫn chưa thể dự báo được chính xác chất lượng không khí, chưa thể đưa ra nhận định chính xác nguyên nhân ô nhiễm và chưa có thông tin khuyến cáo cụ thể về việc người dân cần làm gì trong thời điểm này. Ngoài ra, chính quyền thành phố chưa có mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể theo từng năm, chưa kiểm kê được nguồn phát thải và chưa có chính sách rõ ràng với các nguồn ô nhiễm chính...

Theo PGS.TS Trần Ngọc Quang, ĐH Xây dựng Hà Nội, vấn đề ô nhiễm không khí liên quan đến nhiều ngành, địa phương, môi trường, giao thông, vận tải, xây dựng... nên chưa có một cơ quan nào đứng ra cảnh báo, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác hại. Cần phải có kế hoạch tổng thể, bài bản để giải bài toán ô nhiễm không khí.

Có gió mùa, không khí sẽ sạch hơn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, miền Bắc sắp đón những ngày mưa rào và giông làm nền nhiệt giảm xuống. Cụ thể, ở khu vực Hà Nội, từ ngày 1 đến 7/10, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, ngày nắng; riêng thời kỳ từ ngày 3 - 5/10 có mưa, mưa rào và có nơi có giông. Ông Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khi có gió mùa Đông Bắc, không khí sẽ được khuếch tán, hiện tượng nghịch nhiệt không còn thì tình trạng ô nhiễm sẽ được cải thiện. Dự báo đến thứ 5 (ngày 3/10), tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội sẽ giảm đáng kể.

Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, khi có mưa, ô nhiễm không khí sẽ giảm. Nhưng phải nhìn nhận đúng vào thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay là mùa đông tới, sẽ còn nhiều đợt ô nhiễm không khí nữa. Người dân cần có các phương án tự bảo vệ mình.

Bắt đầu từ thời điểm này trở đi, cứ vài tuần lại có một đợt không khí lạnh tràn về. Tuy nhiên, cường độ các đợt không khí lạnh không mạnh do đó, khả năng chất lượng không khí chỉ được cải thiện vài ngày rồi lại tái diễn ô nhiễm. Từ khoảng cuối tháng 12 đến tháng 2 năm sau mới là cao điểm các đợt không khí lạnh tràn về. Lúc này, các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh và có xu hướng lệch đông mang hơi ẩm từ biển vào gây mưa thì khả năng tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở Hà Nội mới kết thúc.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm ô nhiễm, các trường học hạn chế hoạt động ngoài trời. Người dân hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn. Sau khi ở ngoài trời về nên xúc miệng, rửa mắt mũi và các bề mặt da tiếp xúc bằng xà bông. Đóng các cửa lưu thông với bên ngoài.

Theo Đời sống
back to top