Bức tử con sông
Trong nhiều năm qua, sông Lừ, đoạn chảy qua quận Hoàng Mai đang dần bị bức tử. Đi dọc sông Lừ, sẽ không khó để nhận ra, hoặc bắt gặp cảnh người dân đang đổ thẳng rác thải, nước thải xuống sông mà không qua bất cứ hệ thống xả thải nào.
Hệ quả, hiện nay sông Lừ đang bốc mùi cực kỳ khó chịu, nhất là những ngày đổi thời tiết. Rác thải lưu cữu cùng nước thải chưa qua xử lý đã khiến nước sông Lừ nhiều năm nay luôn có màu đen kịt. Song song với những người dân “vô tư” đổ rác xuống dòng sông là những người công nhân ngày ngày phải bơi thuyền dọn dẹp phế thải trên dòng sông.
Anh Minh, nhân viên của Xí nghiệp thoát nước số 4 (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, dọc sông Lừ hiện nay có rất nhiều miệng cống đường kính 20 - 30cm, xả thẳng nước thải xuống dòng sông với khối lượng khá lớn. Trong đó, có nhiều tạp chất, hóa chất gây ô nhiễm môi trường, gây ra khó khăn và ảnh hưởng đối với công tác thu gom cũng như sức khỏe của công nhân môi trường.
Thực tế, dòng nước thải đô thị hiện không chỉ đơn giản chỉ là nước, mà còn tồn tại nhiều loại tạp chất khác như đất đá, đồ ăn thừa, bao bì… Những chất thải sinh hoạt này đang khiến những chiếc cống có nhiệm vụ thoát nước thải lại bị bít lại bởi chính rác thải.
Những nỗ lực kém hiệu quả
Theo thống kê, TP Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với hơn 100 hồ nội thành và 13 con sông chảy qua. Lưu vực các con sông của thành phố có vị trí và vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, song hiện nay môi trường nước lưu vực các con sông này đang báo động vì ô nhiễm.
Nước thải không qua xử lý đem theo nhiều tạp chất đã và đang làm ô nhiễm nguồn nước không những trên bề mặt mà còn cả các nguồn nước ngầm... Nước ô nhiễm ngấm vào đất, ảnh hưởng đến việc trồng trọt. Để có nước sạch cho sinh hoạt, thành phố bắt buộc phải khai thác nhiều hơn, sâu hơn và nguy cơ cạn kiệt nguồn nước là rất cao.
Do đó, Hà Nội đã đề ra nhiều kế hoạch để giải quyết tình trạng nước thải không qua xử lý đang bức tử các con sông trên địa bàn. Có thể kể đến như việc chấp thuận cho Công ty môi trường Việt - Nhật thí điểm áp dụng công nghệ nước ô nhiễm tại sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản, hay mua chế phẩm Redoxy – 3C để vệ sinh nước sông, hồ...
Tuy nhiên, đây chỉ là những thí điểm ngắn hạn, chỉ mang tính cục bộ và chưa thể hiện được hiệu quả. Như công nghệ Nano - Bioreactor không thể xử lý được cả con sông Tô Lịch, còn Redoxy - 3D thì đã ngừng nhập khẩu, sử dụng.
Chiến lược dài hơi được Hà Nội lựa chọn là xây dựng các trạm thu gom nước thải về các nhà máy xử lý nước thải.
Lớn nhất trong các nhà máy xử lý thải của Hà Nội hiện nay là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở có công suất là 200.000m3 nước thải/ngày đêm, vốn đầu tư gần 300 triệu USD, cuối năm 2012 đã chạy thử, tháng 8/2013 công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (công ty mẹ ở Malaysia) đã bàn giao cho phía Việt Nam.
Bên cạnh Yên Sở, Hà Nội đang có thêm 5 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động gồm Kim Liên (công suất 3.700m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000m3/ngày đêm).
Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường. Do đó, Hà Nội đang kỳ vọng vào đại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (thôn Yên Xá, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Dự án này có công suất 270.000m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, tuyến phân lũ sông Lừ - Sét và các khu đô thị mới ở quận Hà Đông với diện tích khoảng 4.874ha.
Theo dự tính, dự án được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016 và đưa vào hoạt động từ năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay dự án nhận được nhiều kỳ vọng này đang “chậm chạp” khởi động, và chưa biết bao giờ mới có thể đi vào hoạt động.