Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, hơn 10 năm qua, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có bứt phá mạnh mẽ, chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế, phát huy lợi thế, sản xuất theo nhu cầu thị trường,...
Chương trình chuyển đổi số Quốc gia xác định xông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên đầu tư chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng nông nghiệp thông minh, phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thời tiết, môi trường; tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh...
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số.
Hệ quả, Việt Nam có nhiều nông sản đang có sản lượng đứng đầu thế giới như lúa gạo, cà phê,… nhưng tính về giá trị trên cùng một khối lượng, năng suất trên một đơn vị sản xuất thì vị trí xếp hạng của Việt Nam lại tụt rất xa.
Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu cơ sở dữ liệu sản xuất nông sản, chuỗi kết nối chưa hiệu quả, tính minh bạch thông tin còn thấp.
“Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết”- ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar. Israel - một nước không hề có lợi thế về nông nghiệp nhưng có thể xây dựng được một nền nông nghiệp xanh là nhờ phát huy mối liên hệ tương hỗ giữa người nông dân - nhà nghiên cứu và ngành nông nghiệp, gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư.
"Vai trò của Chính phủ rất lớn trong chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đừng coi ngành nông nghiệp là một ngành truyền thống như trước”- Đại sứ Nadav Eshcar nói.