Nong bóng hơi ống mềm điều trị hẹp thực quản

(khoahocdoisong.vn) - Hẹp thực quản không chỉ gây nghẹt thở, khó thở, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ăn uống mà còn làm cho người bệnh căng thẳng, buồn phiền, có thể trầm cảm. Nong bóng hơi qua nội soi ống mềm là một phương pháp an toàn, hiệu quả để điều trị bệnh.

Suy kiệt vì không ăn uống được

Bệnh nhân nam (65 tuổi) có tiền sử ung thư thực quản đã được phẫu thuật nội soi cách đây 3 năm. Gần đây ăn uống kém, khó nuốt, sút cân, sức khỏe suy giảm, tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân được xác định: Hẹp thực quản sau phẫu thuật ung thư thực quản, dẫn tới cản trở lưu thông, vận chuyển thức ăn xuống dạ dày.

Chỗ bị hẹp là đoạn nối giữa thực quản và dạ dày sau khi phẫu thuật đã tạo sẹo co kéo chỉ còn lỗ nhỏ thức ăn không thể qua được khiến bệnh nhân bị khó nuốt dẫn tới ăn uống kém, suy kiệt do không ăn uống được gì. BS Hà Văn Tước, Trưởng khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cùng ekip nội soi đã thực hiện nong chỗ hẹp thực quản thành công.

BS Hà Văn Tước cho biết, hẹp thực quản là tình trạng 1 đoạn nào đó của thực quản bị tổn thương gây chít hẹp lòng thực quản, dẫn tới cản trở sự lưu thông, vận chuyển thức ăn xuống dạ dày. Hậu quả là bệnh nhân bị khó nuốt dẫn tới ăn uống kém, thậm chí suy kiệt do không ăn uống được gì.

Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thực hiện nội soi ống mềm nong bóng hơi điều trị hẹp thực quản.

Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thực hiện nội soi ống mềm nong bóng hơi điều trị hẹp  thực quản.

Hẹp thực quản có thể là bẩm sinh hoặc là biến chứng của một bệnh nào đó như viêm trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), bỏng thực quản do hóa chất, tia xạ, khối u hoặc ung thư thực quản, di chứng sau chấn thương… Trừ trường hợp là hậu quả của ung thư, nói chung hẹp thực quản là dạng tổn thương lành tính. Tuy nhiên, nó lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống và sức khỏe. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng thì bệnh nhân có thể bị suy dinh dưỡng nặng do không ăn uống được.

Nhiều biến chứng tiềm ẩn dễ gây tử vong

Hẹp thực quản đa phần lành tính (một số hẹp do các bệnh lý ác tính gây nên như ung thư thực quản hoặc khối u ác tính từ bên ngoài thực quản chèn ép vào gây hẹp lòng thực quản) nhưng các biến chứng của hẹp thực quản lành tính lại gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chẳng hạn, biến chứng tại chỗ của hẹp thực quản khiến thức ăn đặc hoặc rắn có thể mắc lại ở đoạn thực quản bị hẹp có thể gây nghẹt thở hoặc khó thở; Do nôn và trào ngược thường xuyên làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít phải thức ăn; Bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hoặc ngạt thở do thức ăn trào ngược lọt vào khí quản gây tắc đường thở; Rò thực quản - khí quản; Ung thư hoá...

Khi bị hẹp thực quản bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng do ăn kém hoặc không ăn được trong thời gian dài; Tinh thần căng thẳng, buồn phiền, không muốn tiếp xúc với người khác, có trường hợp người bệnh còn bị trầm cảm.

Vì vậy, khi thấy các triệu chứng của hẹp thực quản như khó nuốt, nuốt nghẹn (thường xảy ra đột ngột, có người sau xúc động mạnh. Bệnh nhân thường bị nuốt nghẹn khi ăn thức ăn đặc...); Cảm giác vướng sau xương ức: Có thể kéo dài nhiều giờ ở một số bệnh nhân do thức ăn ứ lại ở đoạn dưới của thực quản; Đau ở sau xương ức. Cơn đau không liên quan tới hoạt động về thể lực; Bệnh nhân thường bị nôn một cách tự nhiên nhưng cũng có khi bệnh nhân dùng tay móc họng để nôn ra cho dễ chịu... người bệnh cần đi khám để được điều trị sớm.

Để phòng tránh bệnh, nên tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Người bị GERD cần thay đổi lối sống, kiểm soát trào ngược để giảm thiểu nguy cơ tiến triển thành hẹp thực quản (gối cao đầu có tác dụng ngăn axit dạ dày chảy ngược lên thực quản; Những người thừa cân béo phì thường dễ bị trào ngược hơn người có cân nặng bình thường nên giảm cân sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị trào ngược; Chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa không nên ăn no; Không ăn gì 3h trước khi đi ngủ; Bỏ hút thuốc, tránh uống rượu; Tránh các thực phẩm dễ gây trào ngược axit, ví dụ như các thức ăn cay, các thực phẩm giàu chất béo, đồ uống có ga, socola, cà phê và các sản phẩm chứa caffeine, thực phẩm có nguồn gốc từ cà chua, các loại hoa quả chua (cam, quýt…); Không để các hóa chất gây ăn mòn (axit, bazơ…) lọt vào thực quản. Bảo vệ trẻ nhỏ bằng cách giữ tất cả các hóa chất gia dụng ăn mòn ở trong nhà ở ngoài tầm với của chúng; Khám bệnh đúng hẹn để theo dõi các triệu chứng bệnh; Ăn chậm nhai kỹ; Uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ...

Theo Đời sống
back to top