Đá quý không nhiều như đá cuội
Ông Doãn Minh Khang, Chủ tịch UBND xã Đông Khê (Đoan Hùng) cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, tại bãi Chuối của xã Đông Khê xuất hiện nhiều người dân địa phương và các xã tỉnh lân cận đến tìm đá quý vì nghe nói đã có nhiều người tìm được và bán với số tiền lớn.
Do đó, họ hi vọng may mắn sẽ đến với mình nên người kéo đến ngày càng đông. Nghe tin đồn thổi không có căn cứ này nhiều người dân đá bỏ cả công việc gia đình ra giữa lòng sông Chảy để đào đá quý.
“Ở Thái Lan, người ta quy hoạch những vùng bồi tích này rồi tiến hành khai thác đá quý. Khi khai thác xong, lại lấp xuống và trả lại hiện trạng ban đầu của địa hình. Do đó, môi trường không bị tàn phá”, GS.TS Phan Trường Thị.
Tuy chính quyền đã khẳng định việc nhặt được đá quý là không có cơ sở, nhưng khoảng 2-3 ngày gần đây lượng người kéo về khu bãi Chuối lên đến 600 – 700 người.
Ban đầu chỉ có khoảng 60 người ở xã Đông Khê, sau đó tin đồn được lan rộng, hiện nay số người của xã chỉ chiếm 1/3 mà chủ yếu là người dân của xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang và xã Đại Minh, huyện Yên Bình tình Yên Bái.
Theo người dân địa phương, đã có nhiều người nhặt được đá đỏ hay chính là đá ruby có màu đỏ, hồng nhưng trong suốt và bán với nhiều giá khác nhau.
GS.TS Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt cho biết, đá quý ở Việt Nam phân bổ chủ yếu ở vùng Đông Bắc Bộ, nhiều nhất là ở vùng Đông Khê, Thất Khê của Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, những lưu vực sông suối của hệ thống sông Chảy và tả ngạn sông Hồng.
Đá quý ở Việt Nam được hình thành từ những vùng núi đá vôi có các khối đá lớn nằm trong sườn núi, lâu ngày “bở” ra và thừa lại những hạt đá quý, có khi to bằng cả nắm tay.
Chúng được phân bổ theo các thung lũng và hang đá, theo dòng suối nằm cùng với cuội, cát. Thậm chí ở Yên Bái đã có người nhặt được viên đá quý nặng đến 2,3kg.
“Tuy nhiên, đá quý không thể nhiều như đá cuội. Chúng được phân bố ở nhiều nơi, đa phần đó là những nơi có địa hình phức tạp, hiểm trở, khó đào bới, tìm kiếm chứ không phải là tập trung nhiều nhan nhản để đổ xô nhau đi tìm như ở Phú Thọ.
Việc đổ xô nhau đi đào bới theo tin đồn chỉ làm phí sức, dễ gây ra mất trật tự mà khả năng tìm thấy đá quý lại rất thấp”, GS.TS Phan Trường Thị cho biết.
Thung lũng, núi đá vôi hay có đá quý
Dựa trên nguyên lý hình thành, GS.TS Phan Trường Thị cho rằng, cứ ở đâu có các thung lũng, với những dòng suối chảy từ trên núi xuống hay ở đâu có những hang đá vôi lâu đời, thì đều có khả năng có đá quý.
Khả năng cao nhất mà đá quý xuất hiện là ở những lớp đá cuội nằm cạnh các dòng suối chảy ra từ thung lũng.
Những mạch đá chứa đá quý nằm trong bồi tích của các dòng suối nhỏ. Đơn giản nhất để biết là đi dọc suối, khi thấy một lớp đất bằng phẳng, kiểu như các bậc thềm lớn, nơi người ta dựng nhà, làm ruộng, mà phía dưới nó là lớp đá cuội thì ở đó sẽ có đá quý.
Đây là những địa hình khó, và cũng không ai phá nhà, phá ruộng để tìm đá quý nên tiềm năng đá quý ở Việt Nam vẫn còn khá lớn.
“1 viên đá quý nặng khoảng 1kg được bán với giá 40-50 ngàn USD, viên nhỏ cũng có giá vài triệu đồng nên người dân đổ xô nhau đi đào, tìm kiếm. Tuy nhiên việc tìm kiếm không phải là dễ dàng, dù những bãi bồi tích, hang động đá vôi không phải là hiếm.
Tôi cũng đã từng vẽ bản đồ đá quý ở Việt Nam, nếu Nhà nước tập trung khai thác thì số lượng sẽ rất đáng kể. Nhưng nếu để người dân tự do khai thác thì sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Việc đào bới, tìm kiếm đá quý đã dẫn đến nhiều hệ lụy, tiêu cực xã hội khác nhau.
Do đó, Nhà nước phải quản lý tốt ở những khu vực mà tiềm năng đá quý đang hiện hữu”, GS.TS Phan Trường Thị nhận định.
Bảo Khánh