Cà phê bẩn + pin
Theo tin, ngày 16/4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với ban ngành có liên quan đã bắt quả tang công nhân trong xưởng thuộc cơ sở chế biến kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, thôn 13 xã Đắk Wer, H.Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông đang pha trộn tạp chất vào cà phê. Trong xưởng công an cũng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết ở trong kho.
Tại thời điểm kiểm tra, trong kho đã có 12 tấn cà phê đã được nhuộm bằng pin Con Ó cho đen, 2 chậu chứa 35kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10kg… dùng để nhuộm đen cà phê. Công an đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật và lấy mẫu mang đi kiểm định.
Làm việc với các lực lượng chức năng, bà Loan chủ cơ sở bước đầu khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn… sau đó mua các cục pin về đập dẹp, dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường.
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định, cơ sở chế biến cà phê của bà Loan hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn được nhuộm đen bằng… pin.
Phân tích về thành phần trong pin, ThS Đặng Việt Dũng, Bộ môn Công nghệ điện hóa và bảo vệ kim loại, Khoa Công nghệ hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, trong pin có hai thành phần chính là mangan dioxit và muội axetylen. Mangan dioxit là chất phóng điện dương, còn muội axetylen là chất dẫn điện. Mangan có màu hơi nâu còn muội axetylen có màu đen. Cả hai chất này không sử dụng để chế biến thực phẩm, bởi là các chất kim loại nặng, không an toàn cho sức khỏe và gây độc hại.
Nhiễm độc thần kinh trung ương
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng, nhuộm cà phê bằng pin thực sự độc hại cho người dùng. Mangan là kim loại nặng không tinh khiết được khai thác từ mỏ quặng, sau đó nghiền nhỏ cho vào pin và bám quanh điện cực nhằm phóng truyền điện.
Trong nước uống, mangan có nồng độ rất hạn chế là 0,5mg/lít. Nhưng khi dùng để ngâm tẩm, nhuộm đen cà phê thì nguy cơ này khó nói được. Bởi để làm đen phải có một mức độ nhất định. Vì thế, rủi ro cho người dùng cà phê bẩn này là rất cao. Hay nói cách khác đó là người tiêu dùng sẽ có nguy cơ bị nhiễm nồng độ kim loại nặng cao từ đó gây vượt ngưỡng của cơ thể và sản sinh ra nhiều bệnh lý.
Các chuyên gia cũng phân tích thêm, nhuộm cà phê bằng pin thì mangan là kim loại nặng gây độc thần kinh với hệ thần kinh trung ương, tổn thương tâm thần. Mangan cũng gây độc cho gan, thận, phổi, tăng các bệnh lý tuyến giáp và nội tiết, sinh sản. Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể bị bệnh cấp tính và mạn tính. Nhiễm độc cấp tính khi bị hấp thu quá nhiều với các biểu hiện như kích thích niêm mạc, mắt, da, gây ho, khó thở…
Còn ngộ độc mạn tính có thể biểu hiện sau nhiều tháng sử dụng, thậm chí có khi vài năm sau đó cùng các cấp độ khác nhau. Như ban đầu là khó chịu, chán ăn, suy nhược cơ thể, yếu cơ, ngủ lịm. Sau đến suy giảm trí nhớ, biểu hiện loạn thần như ảo giác. Tiếp nữa là giảm vận động dần dần, rối loạn cận ngôn (nói lắp), rối loạn trương lực cơ tứ chi đối xứng, liệt, cứng cơ, nét mặt kiểu mặt tượng, run tăng khi tập trung, rối loạn phối hợp vận động…
“Nếu cà phê hạt bị nhuộm bằng pin nói riêng và các chất khác nói chung bằng cách cho hạt vào cốc nước thủy tinh. Nếu hạt phai màu ra nước là bị nhuộm. Nhất là pin thì chất mangan không bám chắc nên khả năng thôi nhiễm ra rất cao. Điều này đồng nghĩa, cà phê nếu nhuộm bằng pin thì khả năng bị nhiễm độc càng lớn do thôi ra nhanh. Còn cà phê bột đã xay rất khó phát hiện, nếu có chỉ bằng các phương pháp hóa học”. PGS.TS Trần Hồng Côn.
Hiền Dung