Những tác dụng tuyệt vời khi ăn dứa không phải ai cũng biết

Dứa rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Khoa học đã chứng minh nhiều lợi ích đối với sức khoẻ của dứa như tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa...

Dứa cũng là loại trái cây rất dễ kiếm, rẻ tiền, công thức nấu ăn linh hoạt và có sẵn quanh năm.

Các nghiên cứu gần đây cũng đã phát hiện ra rằng có ít nhất 30 hợp chất dinh dưỡng và hợp chất có hoạt tính sinh học trong dứa, bao gồm các loại đường, polyphenol và acid hữu cơ (chủ yếu là acid citric và L-malic).

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam gợi ý một số lợi ích với sức khỏe của dứa.

Có thể giúp chống lại bệnh ung thư

Theo các nghiên cứu gần đây, bromelain có các hoạt động chống ung thư và thúc đẩy quá trình chết theo chương trình của tế bào. Bromelain đã được phát hiện có khả năng gây độc tế bào chọn lọc và giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời khiến các tế bào khỏe mạnh không bị tổn thương.

Có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản

Các nghiên cứu cho thấy ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa vô sinh. Bởi vì các gốc tự do có thể gây hại cho hệ thống sinh sản, các loại thực phẩm có hoạt tính chống oxy hóa cao như dứa được khuyến khích cho những người đang cố gắng thụ thai.

Các chất chống oxy hóa trong dứa như vitamin C, β-carotene, các vitamin và khoáng chất khác như đồng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.

Giúp bảo vệ chống lại bệnh tim mạch và béo phì

Dứa hữu ích đối với sức khỏe tim mạch vì chứa nhiều kali, vitamin C và chất chống oxy hóa. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một trong những lợi ích của nước ép dứa là khả năng bảo vệ tim mạch.

Kali trong trái cây giúp giảm nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch và đột quỵ, bảo vệ chống lại sự mất khối lượng cơ, bảo tồn mật độ khoáng của xương và giảm sự hình thành sỏi thận.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước ép dứa có thể có tác dụng có lợi đối với trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI), sự tích tụ chất béo trong cơ thể, lắng đọng mỡ gan và lipid máu do tác động đến hormone điều chỉnh cảm giác đói và béo phì. Bổ sung nước ép dứa có thể giúp giảm đáng kể insulin và có tác dụng chống béo phì, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa.

Dứa cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch do tác dụng của bromelain, có thể chống lại quá trình đông máu giúp giảm nguy cơ đau thắt ngực do hẹp động mạch vành.

Ảnh minh họa. Ảnh: internet.

Ảnh minh họa. Ảnh: internet.

Ăn nhiều dứa giúp chống lão hóa da

Bạn không thể ngừng lão hóa, nhưng bạn có thể thay đổi mức độ ảnh hưởng của lão hóa tới làn da của mình. Cùng với vai trò quan trọng đối với sức khỏe miễn dịch, vitamin C cũng có thể bảo vệ da chống lão hóa bằng cách hạn chế tổn thương do tiếp xúc với tia cực tím. Vitamin C kích thích tổng hợp collagen và cung cấp khả năng bảo vệ chống oxy hóa chống lại sự ảnh hưởng của tia UV, có thể giữ cho làn da của bạn săn chắc, ít nếp nhăn hơn và da ít khô do tuổi tác hơn".

Có thể bảo vệ sức khỏe não bộ

Bromelain chiết xuất từ thân dứa đã phân hủy các phân tử chọn lọc có liên quan đến bệnh Alzheimer. Điều này cho thấy một công dụng tiềm năng của enzyme trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer.

Giảm viêm

Dứa hữu ích đối với những người bị viêm khớp. Điều này là do bromelain, đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm và giảm đau.

Các nghiên cứu khác còn cho thấy dứa có tác dụng tốt đối với bệnh viêm đại tràng, viêm xoang… Bromelain là hợp chất có tiềm năng, được ứng dụng trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh.

Hỗ trợ tiêu hóa

Đối với tiêu hóa, dứa đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ trong việc phân hủy protein thành các peptide và acid amin. Dứa còn có thể làm dịu các triệu chứng của viêm loét dạ dày, viêm đại tràng và chống táo bón.

Nguồn vitamin C tăng cường miễn dịch

Dứa có tương đối ít calo, nhưng lại dồi dào vitamin C. Vitamin C thường được sử dụng để hỗ trợ chức năng hệ thống miễn dịch và giảm các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm. Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ trái cây giàu vitamin C thường xuyên có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng cũng như phòng chống bệnh ung thư.

Vitamin C là một loại vitamin tan trong nước, có tác dụng chống oxy hóa, duy trì sức khỏe của các mô liên kết của cơ thể và nó có khả năng tổng hợp collagen. Vitamin C cũng có thể giúp làm dịu, dưỡng ẩm da trong trường hợp da cháy nắng, da khô và bị kích ứng.

Dứa có thể giúp cơ thể chống lại tác hại của các gốc tự do và giảm viêm. Gốc tự do là nguyên nhân góp phần vào sự phát triển của ung thư.

Chứa nhiều chất xơ

Trái cây giàu chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư đại trực tràng. Chất xơ cũng có thể làm giảm lượng đường huyết, giúp phòng chống bệnh tiểu đường.

Dứa có tốt cho việc giảm cân không? Chất xơ là lý do khiến dứa có lợi cho việc giảm cân. Do hàm lượng chất xơ cao, một trong những lợi ích của dứa là có thể giúp chúng ta cảm thấy nhanh no mà không phải nạp nhiều calo.

Dứa có thể giúp ngăn ngừa táo bón và giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh. Điều này rất hữu ích để giảm đầy hơi chướng bụng.

Lưu ý khi ăn dứa

Dứa có tính axit khá cao, vì vậy ăn nhiều dứa có thể khiến một số người bị trào ngược axit dạ dày không nên ăn nhiều dứa để tránh tình trạng bị ợ nóng sau khi ăn.

Vì dứa có nhiều chất xơ nên những người có vấn đề về tiêu hóa không nên ăn quá nhiều. Ăn một lượng lớn thực phẩm chứa chất xơ cũng có thể gây ra một số khó chịu về đường tiêu hóa, đặc biệt nếu chế độ ăn ít chất xơ thường được tiêu thụ.

Tương tác thuốc

Nếu bạn dùng thuốc, những thứ bạn ăn hoặc uống có thể tương tác với thuốc gây những phản ứng không mong muốn. Ví dụ, bromelain trong dứa có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc chống trầm cảm và chống co giật.

Trái cây có vị ngọt, bao gồm cả dứa, chứa lượng đường tự nhiên cao. Điều đó khiến nhiều người bị (hoặc có nguy cơ) mắc bệnh đái tháo đường nghĩ rằng nên hạn chế loại quả này, nhưng không phải vậy. Người bị đái tháo đường vẫn có thể ăn dứa. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng về cách tính lượng carbs của dứa và đưa loại trái cây này vào kế hoạch ăn uống của bạn với một lượng vừa đủ.

Dị ứng

Dứa có thể gây ra phản ứng bất lợi cho một số người. Phản ứng của cơ thể bao gồm kích ứng (bỏng hoặc đau) trong miệng do hàm lượng bromelain của dứa và độ pH có tính axit; hội chứng dị ứng miệng (ngứa hoặc sưng); và, trong một số trường hợp hiếm hoi, sốc phản vệ (thở khò khè hoặc không thở được).

Nếu bạn đã từng gặp bất kỳ phản ứng nào khi ăn dứa, tốt nhất là không nên thử lại một lần nữa. Với tình trạng dị ứng nhẹ có thể được hạn chế bằng cách rắc muối lên dứa, thưởng thức cùng với sản phẩm từ sữa hoặc chế biến thành các món ăn nóng. Hãy tìm lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa dị ứng nếu bạn cho rằng mình bị dị ứng dứa.

Theo Đời sống
Sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại sức khỏe

Sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại sức khỏe

Nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong các gia đình Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng nước mắm đúng cách. Nhiều người mắc phải những sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại cho sức khỏe.
back to top