Những quyển vở học sinh

Những quyển vở học sinh dường như cũng chạy theo thời trang. Mỗi năm hàng loạt bìa vở mới ra đời, in đẹp. Không mua là cứ thấy mình như người có lỗi.

Hình minh họa.

Soạn đống sách vở cũ của con, thấy nhiều quyển vở vẫn còn phải đến 2/3 số trang chưa viết. Định lấy lại để tận dụng, nhưng con bảo không thiếu. Vở phần thưởng của trường, của ban phụ huynh dùng còn chưa hết. Giấy kiểm tra cũng là loại in sẵn của trường nên không dùng loại tách ra từ vở thế kia. Thôi đành để làm nháp vậy.

Chả bù cho ngày trước, thiếu giấy thiếu vở, đến nỗi phải tận dụng hết cả vở thừa, cả giấy viết một mặt. Xung quanh, chỗ nào cũng thấy nói phải tiết kiệm, thành ra chả thấy khổ gì cả, lại còn vui, vì ít ra mình cũng biết cách tự xoay xở, từ những quyển vở thừa cắt ra đóng lại thành vở mới.

Giờ thì, mọi thứ đều chả thiếu. Cứ ra các nhà sách thì thấy, khu bày bán vở vô cùng phong phú. Từ những quyển vở trắng tinh đến loại trắng bao nhiêu phần trăm để tốt cho mắt, từ vở ô li, vở có dòng kẻ, lại cả vở có chấm… bìa vở thì in đẹp như những tác phẩm nghệ thuật. Đi mua hàng mà thấy mình đúng là Thượng đế khi được thoải mái lựa chọn.

Dường như vở cũng chạy theo thời trang. Mỗi năm hàng loạt bìa vở mới ra đời, in đẹp với các hình theo mốt. Đấy là chưa kể các trường còn in vở, giấy kiểm tra của trường đồng bộ như đồng phục.

Không mua là cứ thấy mình như người có lỗi, lại có cảm giác con mình thiệt thòi vì không có được những quyển vở đẹp như chúng bạn. Thế nên, có muốn dạy trẻ con phải tiết kiệm cũng khó.

Chao ôi là xã hội tiêu dùng. Đâu đâu người ta cũng khuyến khích tiêu dùng. Bìa vở đẹp lại cần phải có giấy bọc nilong, tốn kém và lãng phí vô cùng.

Lúc đầu cứ nghĩ thế là văn minh và tiện lợi, loại vở nào, sách nào thì đã có giấy bọc loại đó, chỉ cần lồng vào là vừa in. Không phải vất vả như trước đây bọc bằng giấy báo.

Nhớ hồi con mới vào lớp 1, cô giáo hướng dẫn bố mẹ bọc vở cho các con, bọc bằng giấy phải để phần yếm để con tì tay vào không làm bẩn vở. Nhưng rồi lên lớp trên, cô không yêu cầu thế nữa. Mà cũng không làm được vì bìa vở đẹp quá ai nỡ đem bọc kín đi, đúng kiểu là phải bọc nilong.

Thật vô lý khi chúng ta dạy trẻ con về tác hại của rác thải nhựa, nilong ảnh hưởng đến môi trường sống thế nào, thì chính trường học lại là nơi tiêu thụ loại sản phẩm này nhiều nhất thông qua giấy bọc vở, bọc sách.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top