Những nguy cơ khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cho bà bầu

(khoahocdoisong.vn) - Tăng huyết áp (HA) thai kỳ không được kiểm soát làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não ở mẹ, trong khi đó kiểm soát HA chặt chẽ bằng thuốc có liên quan đến với giảm tưới máu nhau thai và làm tổn thương thai nhi.

Quyết định điều trị cao huyết áp trong thời kỳ mang thai phụ thuộc vào rủi ro và lợi ích trên người mẹ và thai nhi. Hiệp hội Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên bắt đầu điều trị hạ huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật với HA ≥ 160/110 mm Hg.  

Nhóm chẹn beta: Có thể gây hỏng phôi và thai (nhưng với liều quy ra gấp khoảng 25 lần liều tối đa dùng cho người), làm chậm nhịp tim ở thai nhi, trẻ sơ sinh. Chưa có nghiên cứu kiểm chứng đầy đủ trên người; chỉ mới có thông tin ảnh hưởng không lợi của thuốc (atenolol) với thai trên một số ít người dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ. Trên người, thuốc đi qua rau thai, nồng độ thuốc trong máu mẹ và trong thai nhi bằng nhau.

Bởi vậy, có khuyến cáo không nên dùng nhóm thuốc chẹn bêta (atenolol) trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu trên 48 giờ mới sinh thì methyldopa uống được ưa chuộng vì an toàn. Labetalol uống là chọn lựa thay thế. Hydralazine đi đôi với nhiều tác dụng phụ cho mẹ và thai nhi hơn nifedipine, isradipine hay labetalol.
Magnesium sulfate giúp ngăn ngừa cơn sản giật so sánh với cả placebo hoặc thuốc ức chế canxi. Ngoài ra việc sử dụng magnesium sulfate bảo vệ thần kinh cho trẻ được sinh trước 30 tuần tuổi.
Nhóm ức chế men chuyển (catopril, lisinopril, enalapril) và nhóm chẹn thụ thể angiotensin II: Nếu dùng trong 6 tháng cuối thai kỳ, thuốc sẽ gây hạ huyết áp kèm theo gây suy thận, tăng kali máu của thai dẫn đến teo chân tay, biến dạng mặt, giảm sản sự phát triển phôi và/ hoặc giảm sản sọ trẻ sơ sinh. Sự giảm nước ối ở mẹ biểu thị gần đúng sự giảm chức năng thận của thai. Cũng có khi sự giảm nước ối không thể hiện cho đến khi có các thương tổn thai không thể đảo ngược.

Vì thế khuyến cáo: Không dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển trong 6 tháng cuối thai kỳ. Nếu vì lý do nào đó buộc phải dùng thì cần siêu âm định kỳ để đánh giá khi phát hiện có sự giảm nước ối phải dừng thuốc ngay trừ trường hợp cấp cứu cần cứu sống mạng của người mẹ.

Một nghiên cứu trên 29.507 trẻ sơ sinh ra đời từ năm 1995 - 2000 (công bố trên New England Journal of medicine) cho biết, bà mẹ có thai dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ có làm tăng nguy cơ dị dạng tim mạch, hệ thần kinh trung ương của trẻ.

Vì thế có khuyến cáo thêm: Tránh dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nhóm chẹn thụ thể angiotensin II Tác hại cho thai giống như nhóm ức chế men chuyển nhưng vì có tác dụng nhanh mạnh hơn ức chế men chuyển nên có nguy cơ gây hạ huyết áp đột ngột kèm với tác hại cho thai nhiều hơn.

Vì vậy, khuyến cáo không dùng nhóm thuốc đối kháng với angiotensin II trong 6 tháng cuối thai kỳ, còn khi phải dùng cho 3 tháng đầu thai kỳ thì phải thăm dò hiệu chỉnh liều thích hợp.

Nhóm thuốc lợi tiểu: Nghiên cứu nhiều lần trên thỏ, chuột không thấy thuốc gây hại thai hay suy yếu sinh sản. Trên động vật dùng liều cao (quy ra xấp xỉ bằng 5 lần liều thường dùng cho người) thấy có một vài độc tính trên chuột, thỏ đã trưởng thành có sự giảm tăng trưởng ở chuột. Trên người: Gây vàng da thai và trẻ sơ sinh, giảm tiểu cầu, có thể có các tác dụng khác xảy ra khi đã lớn. Chưa có nghiên cứu kiểm chứng trên người đầy đủ, kinh nghiệm lâm sàng còn giới hạn. Khuyến cáo: Không nên dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai. Chỉ dùng cho người có thai khi cân nhắc thấy lợi ích chắc chắn cao hơn nguy cơ.

Như vậy, nếu người có thai mà bị tăng huyết áp đến mức cần phải dùng thuốc thì nhất thiết phải có sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Có thuốc có thể dùng được, có thuốc lại không dùng được trong một giai đoạn nào đó của thai kỳ, thầy thuốc sẽ lựa chọn cho người bệnh một loại thích hợp.

Bản thân người bệnh cũng phải khám định kỳ (đặc biệt lúc chuyển sang giai đoạn khác của thai kỳ) để thầy thuốc có sự điều chỉnh thuốc nếu thấy cần thiết. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng một thuốc chưa phù hợp lắm, thầy thuốc sẽ cân nhắc giữa lợi ích nguy cơ và cho dùng nếu lợi ích cao hơn nguy cơ nhưng có sự theo dõi cẩn thận và thông báo điều này cho người bệnh biết để tiện hợp tác.

Cần phân biệt mức tác hại của thuốc hạ huyết áp với thai. Có loại phải cấm tuyệt đối không dùng, nhưng cũng có loại không cấm tuyệt đối mà có thể dùng. Vì vậy, người bệnh nên hợp tác tốt với thầy thuốc trong điều trị.

 PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận – Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top