CViệc chẩn đoán và điều trị ung thư trong thai kỳ có thể phức tạp hơn bình thường. Điều này là do các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư cũng như các phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến thai nhi, vì vậy mỗi bước trong quá trình chăm sóc y tế sẽ được thực hiện cẩn thận. Điều quan trọng là người bệnh gặp được nhóm chăm sóc sức khoẻ có kinh nghiệm với việc điều trị ung thư trong thai kỳ.
Được chẩn đoán hoặc bắt đầu điều trị ung thư trong thai kỳ có thể rất căng thẳng và choáng ngợp. Trong quá trình này, điều quan trọng là người bệnh phải cho nhóm chăm sóc sức khoẻ biết cảm giác của mình để họ có thể giúp người bệnh tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết, có thể là một nhóm hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến dành cho những người đã hoặc đang mắc ung thư trong thai kỳ.
Những loại ung thư nào xảy ra trong thai kỳ?
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất được phát hiện trong thai kỳ. Nó ảnh hưởng tới khoảng 1 trên 3.000 phụ nữ mang thai. Ngoài ra, các loại ung thư khác có xu hướng xuất hiện trong thai kỳ phổ biến hơn so với người trẻ không mang thai, bao gồm:
· Ung thư cổ tử cung
· Bệnh nguyên bào nuôi thai kỳ
· U lympho Hodgkin
· Ung thư hắc tố
· U lympho không Hodgkin
· Ung thư giáp.
Làm thế nào để chẩn đoán ung thư trong thai kỳ?
Việc phát hiện ung thư có thể khó khăn hơn trong thai kỳ. Điều này là do một số triệu chứng của ung thư như chướng bụng, đau đầu hoặc đi ngoài ra máu cũng phổ biến trong thai kỳ nói chung.
Ngực thường lớn hơn và thay đổi kết cấu trong thai kỳ, đây có thể là những thay đổi bình thường. Điều này có nghĩa là những thay đổi liên quan đến ung thư trong thai kỳ có thể bị nhận ra muộn hơn, dẫn tới việc chẩn đoán muộn hơn so với ở phụ nữ không mang thai.
Đôi khi, việc mang thai cũng có thể khiến người bệnh vô tình phát hiện ung thư. Ví dụ, xét nghiệm tế bào học cổ tử cung (Pap test), một xét nghiệm cơ bản trong khám thai định kỳ, có thể phát hiện ra ung thư cổ tử cung. Siêu âm trong thai kỳ cũng có thể phát hiện ung thư buồng trứng.
Chụp X-quang chẩn đoán tương đối an toàn cho phụ nữ mang thai. |
Một số xét nghiệm mà bác sĩ sử dụng để phát hiện ung thư là an toàn đối với phụ nữ mang thai và thai nhi. Một số xét nghiệm khác có thể có hại. Người bệnh luôn phải trao đổi với nhóm chăm sóc sức khoẻ về từng xét nghiệm được chỉ định và thông báo cho nhân viên thực hiện xét nghiệm về việc mang thai của mình. Các xét nghiệm phổ biến được sử dụng trong chẩn đoán ung thư gồm:
Chụp X-quang. Nghiên cứu cho thấy liều phóng xạ trong chụp X-quang chẩn đoán là quá thấp để có thể gây hại cho thai nhi. Thai phụ nên được sử dụng một tấm chắn để che vùng bụng trong quá trình chụp X-quang.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Chụp CT cũng giống như chụp X-quang nhưng có độ chính xác cao hơn do sử dụng nhiều tia phóng xạ hơn. Chụp CT có thể phát hiện ung thư hoặc tình trạng xâm lấn của ung thư.
Chụp CT vùng đầu và ngực thường an toàn đối với phụ nữ mang thai. Điều này là do tia phóng xạ không tiếp xúc trực tiếp với thai nhi. Khi có thể, người bệnh nên được sử dụng một tấm chắn để che vùng bụng hoặc vùng chậu trong tất cả các lần chụp CT.
Chỉ nên chụp CT ổ bụng hoặc CT vùng chậu nếu không còn lựa chọn nào khác. Người bệnh cần trao đổi với nhóm chăm sóc sức khoẻ về tính cần thiết của chỉ định chụp CT và các nguy cơ của nó.
Các xét nghiệm khác. Chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm và sinh thiết thường an toàn đối với thai kỳ.
Làm thế nào để điều trị ung thư trong thai kỳ an toàn?
Lập kế hoạch điều trị ung thư trong thai kỳ yêu cầu sự phối hợp của một nhóm đa ngành gồm các chuyên ngành khác nhau, trong đó có bác sĩ ung thư và bác sĩ sản khoa chuyên về điều trị người bệnh nguy cơ cao. Bác sĩ sản khoa là bác sĩ chăm sóc cho phụ nữ trong và sau thai kỳ.
Bác sĩ ung thư và bác sĩ sản khoa sẽ xem xét và so sánh các lựa chọn điều trị tốt nhất cho người bệnh cũng như mọi nguy cơ có thể xảy ra dựa trên một số yếu tố.
Giai đoạn của thai kỳ và phân loại, kích thước, giai đoạn của ung thư là những yếu tố quan trọng. Bác sĩ sẽ hỏi ý kiến người bệnh về các nguyện vọng của họ khi quyết định điều trị ung thư.
Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo thai nhi khoẻ mạnh.
Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị trì hoãn hoặc tránh một số phương pháp điều trị trong thai kỳ. Ví dụ:
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, một số phương pháp điều trị ung thư có nhiều khả năng gây hại cho thai nhi. Vì vậy, bác sĩ sẽ đề nghị trì hoãn điều trị cho đến 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.
Một số phương pháp điều trị có thể gây hại cho thai nhi dù ở giai đoạn nào của thai kỳ. Bác sĩ sẽ tránh sử dụng những phương pháp này tới sau khi em bé ra đời.
Ví dụ, xạ trị là phương pháp điều trị mạnh, sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Một số nguy cơ đối với thai nhi có thể xảy ra trong suốt thai kỳ, phụ thuộc vào liều phóng xạ và vị trí cần điều trị trên cơ thể
Khi phát hiện ung thư vào cuối thai kỳ, bác sĩ có thể đề nghị bắt đầu điều trị sau khi em bé ra đời.
Bác sĩ có thể đề nghị trì hoãn điều trị một số loại ung thư đặc biệt tới sau khi em bé ra đời, ví dụ như ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
Các phương pháp điều trị ung thư nào được sử dụng trong thai kỳ?
Một số phương pháp điều trị ung thư trong thai kỳ an toàn hơn so với các phương pháp khác:
Phẫu thuật: Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u và một số mô lành xung quanh u. Thường có ít rủi ro đối với thai nhi. Nhìn chung, đây là phương pháp điều trị ung thư an toàn nhất trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ.
Thuốc điều trị ung thư: Phác đồ điều trị ung thư trong thai kỳ có thể bao gồm các thuốc tiêu diệt tế bào ung thư, ví dụ như hoá trị liệu. Hoá trị liệu chỉ có thể được sử dụng trong những thời điểm nhất định của thai kỳ:
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, hoá trị liệu có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai. Đây là thời gian các cơ quan của thai nhi vẫn đang phát triển.
Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định một số loại hoá trị liệu có nguy cơ thấp đối với thai nhi. Hàng rào nhau thai hoạt động như một bức tường bảo vệ thai nhi nên một số loại thuốc không thể đi qua được. Các loại thuốc khác chỉ đi qua với một lượng nhỏ.
Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em tiếp xúc với hoá trị liệu khi còn trong bụng mẹ không có nhiều vấn đề về sức khoẻ hơn trẻ em không tiếp xúc, kể cả ngay sau khi ra đời hay trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Hoá trị liệu trong giai đoạn sau của thai kỳ có thể gây ra các tác dụng phụ như thiếu máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gián tiếp gây hại cho em bé trong khi sinh hoặc ngay sau khi ra đời.
Nhóm chăm sóc sức khoẻ có thể cân nhắc đến việc kích thích chuyển dạ sớm để bảo vệ em bé khỏi việc điều trị ung thư của người mẹ. Đây là quyết định của người bệnh, được cân nhắc cẩn thận dựa trên tình trạng sức khoẻ của cả mẹ và bé.
Nếu tiếp nhận hoá trị liệu sau khi sinh con, người bệnh không nên cho con bú. Hoá trị liệu có thể đi sang trẻ qua sữa mẹ.
Thai kỳ có ảnh hưởng tới điều trị ung thư không?
Bản thân thai kỳ có thể không ảnh hưởng tới hiệu quả của việc điều trị ung thư. Phát hiện ung thư giai đoạn muộn hoặc không bắt đầu điều trị ngay có thể ảnh hưởng tới kết quả của điều trị ung thư. Người bệnh cần trao đổi với nhóm chăm sóc sức khoẻ về ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau tới nguy cơ mắc ung thư và việc phục hồi sau điều trị như thế nào.
Các câu hỏi bệnh nhân nên đặt ra cho bác sĩ khi điều trị
Nếu mới phát hiện ung thư khi đang mang thai, người bệnh hãy hỏi nhóm chăm sóc sức khoẻ các câu hỏi sau:
· Bác sĩ có kinh nghiệm trong việc điều trị ung thư cho phụ nữ mang thai không?
· Tôi có cần làm xét nghiệm đặc biệt nào để biết cụ thể hơn về bệnh ung thư của mình hay không? Có rủi ro nào xảy ra với em bé nếu thực hiện xét nghiệm đó không?
· Các lựa chọn điều trị bệnh ung thư của tôi là gì?
· Bác sĩ nghĩ kế hoạch điều trị nào là tốt nhất cho tôi? Tại sao?
· Tôi có cần bắt đầu điều trị ngay không, hay tôi nên đợi?
· Trì hoãn điều trị có thể ảnh hưởng tới việc điều trị khỏi bệnh ung thư không?
· Tiếp tục mang thai có an toàn không?
· Nguy cơ trước mắt và nguy cơ lâu dài của việc điều trị đối với tôi và em bé là gì?
· Sức khoẻ của em bé sẽ được theo dõi như thế nào trong quá trình điều trị ung thư của tôi?
· Việc điều trị ung thư có ảnh hưởng đến cách tôi sinh con không?
· Tôi có thể cho con bú không?
BS Đào Thanh Lan, (Khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội)