Những lầm tưởng về đá quý

(khoahocdoisong.vn) - Hàng ngàn người đổ xô lên khu vực Lục Yên (Yên Bái) đào đá quý trong mấy ngày vừa qua dẫn đến những hệ lụy xấu cho môi trường, xuất phát từ những lầm tưởng về việc khai thác đá quý.

Hàng ngàn người đổ xô lên khu vực Lục Yên (Yên Bái) đào đá quý trong mấy ngày vừa qua dẫ đến những hệ lụy xấu cho môi trường, xuất phát từ những lầm tưởng về việc khai thác đá quý.

Khối đá 5 tỷ đồng chỉ là thổi phồng

Sau khi xuất hiện thông tin, có người đào được viên đá quý có giá trị lên tới 5 tỷ đồng, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ xô lên khu vực bãi Bưởi, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đào đá quý, với hy vọng đổi đời. Theo một thương lái thì viên đá quý đào được thuộc dòng đá quý Spinel, là một khối đá màu xanh dương, bên trong chứa nhiều viên đá quý nhỏ. Khối đá này nặng 2,1kg, dài 13cm, rộng 6cm được bán với giá gần 5 tỷ đồng. Sau khi đào được, chủ viên đá quý đã bán lại cho một đại gia Hà Nội và một thương lái Yên Bái. Cũng theo thương lái này, viên đá quý trên nằm ở độ sâu khoảng 1m, người dân dùng thuổng đào được cách đây gần 1 tháng. Spinel là dòng đá quý và rất hiếm, còn được ví sánh ngang với ruby. Chúng có màu sắc, vân đá rất sắc nét và đẹp mắt, thường được dùng để làm đồ trang sức, phong thủy.

GS Phan Trường Thị, Viện Đá quý, vàng và Trang sức Việt cho biết, với những viên đá quý có kích thước lớn, nguyên khối thì chắc chắn là giá trị sẽ rất cao. Nhưng nếu chỉ là một khối đá như hình ảnh nhìn thấy và cho rằng đó là đá spinnel có giá trị lại là sai lầm. Không ai dám chắc bên trong đó có đá quý hay không, thành phần đá như thế nào… nên không có chuyện nó có giá đến tiền tỉ. Rất có thể đó chỉ là những lời đồn thổi, hấp dẫn những người ôm mộng đổi đời nên họ kéo nhau đến để tìm. 

Hơn nữa ở Lục Yên trước đây tồn tại rất nhiều điểm khai thác đá quý trái phép. Việc người dân tự phát đi đào, tìm rất gặp phải những rủi ro như sập đất, sạt lở do các khu vực đào lên trước đây không được san lấp đúng cách. Huyện Lục Yên – tỉnh Yên Bái được biết đến là một trong những khu vực có nhiều mỏ đá quý ở Việt Nam. Trong đó, đá Ruby, sapphire, spinel là những loại đá nổi tiếng và có giá trị lớn nhất được tìm thấy ở đây, nhưng hiện nay do khai thác bừa bãi nên việc tìm thấy đá quý ở đây là xác xuất rất nhỏ.

Nhiều nơi có đá quý, nhưng không dễ tìm

Theo GS Phan Trường Thị, ở Việt Nam có nhiều vùng có thể tồn tại đá quý như vùng Đông Khê, Thất Khê của Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, những lưu vực sông suối của hệ thống sông Chảy và tả ngạn sông Hồng. Cứ ở đâu có các thung lũng, với những dòng suối chảy từ trên núi xuống hay ở đâu có những hang đá vôi lâu đời, thì đều có khả năng có đá quý. Khả năng cao nhất mà đá quý xuất hiện là ở những lớp đá cuội nằm cạnh các dòng suối chảy ra từ thung lũng. Những mạch đá chứa đá quý nằm trong bồi tích của các dòng suối nhỏ….

Tuy trữ lượng đá quý tiềm năng là có, nhưng không dễ để khai thác vì nó phân bổ rải rác, ở các tầng địa chất khác nhau mà nhiều khi với cách đào bới thủ công không thể tìm được. Việc các cá nhân tự đi đào, tìm đá quý ngoài tác động xấu đến môi trường còn gặp nhiều rủi ro nguy hiểm đến tính mạng. Sạt lở đất, các hang ngầm sụt lún, các khối đất đá sạt trượt… có thể vùi lấp. Do đó, không nên đánh đổi tính mạng để liều mình đi đào đá quý.

Ở Thái Lan, người ta quy hoạch những vùng bồi tích này rồi tiến hành khai thác đá quý. Khi khai thác xong, lại lấp xuống và trả lại hiện trạng ban đầu của địa hình. Do đó, môi trường không bị tàn phá. Đó là bài học mà Việt Nam nên áp dụng để quản lý tốt lĩnh vực này.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top