Những bí ẩn độc đáo của rắn trong thần thoại và y học các nước

Rắn trong thần thoại các nền văn hóa là một biểu tượng hai mặt: vừa linh thiêng vừa đáng sợ, vừa ác quỷ lại là biểu tượng cho sự sống.

Ở Trung Quốc, nó khéo hóa mỹ nhân; ở Hy Lạp, nó thì “bán hàng đa cấp” với ánh mắt hóa đá; còn ở La Mã, nó bỗng hiền lành và ấm áp như ông chú bảo hộ cho cả gia đình.

Thế mới thấy, “đời rắn” cũng nổi trôi theo quan điểm của từng nền văn hóa. Ai bảo chỉ con người mới “số nhọ”? Rắn cũng… khổ lắm đấy chứ

Trung Quốc: Con rắn – Biểu tượng linh thiêng và phức tạp

Trong văn hóa Trung Hoa, rắn thường được xem là sinh vật có tính âm (phối hợp với dương của rồng). Nó vừa đáng sợ, vừa linh thiêng, và đôi khi xuất hiện trong các câu chuyện kỳ bí như một nhân vật chuyển hóa đầy ma thuật.

Câu truyện Nữ Oa đội lốt rắn: Nữ thần sáng tạo ra loài người có hình dáng đầu người thân rắn. Không chỉ đảm nhận việc tạo ra nhân loại, Nữ Oa còn vá trời để cứu thế giới khỏi thảm họa. Người phụ nữ mình rắn này vừa là thần tạo hóa, vừa là thợ thủ công chuyên nghiệp bậc nhất – “đa năng” còn hơn cả siêu nhân Marvel!

Câu truyện Nữ Oa đội lốt rắn trong thần thoại Trung Quốc - Ảnh minh họa BSCC

Câu truyện Nữ Oa đội lốt rắn trong thần thoại Trung Quốc - Ảnh minh họa BSCC

Trong truyền thuyết Bạch Xà (Rắn trắng, Bạch Tố Trinh) tu luyện ngàn năm biến thành mỹ nhân tuyệt sắc. Cô yêu chàng trai Hứa Tiên và lập nên câu chuyện tình đầy ngang trái. Khi nói đến “rắn hóa mỹ nhân”, ta mới thấy loài rắn này thừa sức bỏ xa các phương pháp thẩm mỹ hiện đại – một mình “đập đi xây lại” mà thành mỹ nhân ngàn năm.

Trong phong thủy rắn mang ý nghĩa tài lộc, sinh sôi, bảo hộ nhưng đôi khi lại là điềm báo đáng sợ nếu xuất hiện trong giấc mơ. Chắc hẳn, các cụ phong thủy xưa đôi khi cũng bối rối: “Rắn đến nhà là thần hay là họa?

Hy Lạp: Con rắn – Biểu tượng hỗn hợp của sự khôn ngoan và nguy hiểm

Trong thần thoại Hy Lạp, rắn xuất hiện như một sinh vật kỳ bí, liên quan đến y học, phép thuật, và cả sự chết chóc. Điểm nổi bật là sự hai mặt trong vai trò của nó.

Medusa: Nữ quỷ tóc rắn, kẻ có ánh nhìn hóa đá cả nhân gian. Nhưng tội nghiệp thay, Medusa lại bị biến thành quái vật vì lỡ “phạm lỗi yêu đương” trong đền thờ Athena. Chuyện này chỉ khiến người ta nghĩ: “Đừng đùa với các vị thần Hy Lạp. Họ hay dỗi mà cái dỗi thì vô cùng… kịch tính!”

Trong thần thoại Hy Lạp, rắn xuất hiện như một sinh vật kỳ bí, liên quan đến y học, phép thuật, và cả sự chết chóc - Ảnh minh họa BSCC

Trong thần thoại Hy Lạp, rắn xuất hiện như một sinh vật kỳ bí, liên quan đến y học, phép thuật, và cả sự chết chóc - Ảnh minh họa BSCC

Thật ngược đời khi chính loài rắn, biểu tượng của độc dược, lại trở thành biểu tượng chữa bệnh. Biểu tượng hai con rắn quấn quanh cây gậy của thần Hermes là biểu tưởng của y học hẳn người xưa muốn nói: “Độc đúng liều là thuốc. Mà chữa bệnh thì không thể thiếu... vờn nhau với rắn.”

Ladon – Rắn nhiều đầu là con rắn canh giữ quả táo vàng ở vườn Hesperides, bị Heracles tiêu diệt trong thử thách. Thật đáng thương cho Ladon – canh vườn cả ngày chỉ để bị anh hùng làm thịt. Rắn này chắc nghĩ: “Cũng chỉ là đi làm công ăn lương thôi mà, sao nỡ xuống tay vậy?”

La Mã: Rắn – Hóa thân thần thánh và điềm lành

Thần thoại La Mã chịu ảnh hưởng lớn từ Hy Lạp, nhưng hình tượng con rắn đôi khi mang sắc thái tích cực hơn và gần gũi với đời sống con người.

Aesculapius (Esculape) là thần y học La Mã, có cây gậy với một con rắn quấn quanh – biểu tượng cho sự sống và sự tái sinh. Người La Mã thấy rắn thay da và cho rằng nó đại diện cho sức mạnh hồi phục và trường thọ.

Ở Hy Lạp rắn bị coi như quái vật - Ảnh minh họa BSCC

Ở Hy Lạp rắn bị coi như quái vật - Ảnh minh họa BSCC

Ở Rome cổ đại, nếu một con rắn bò vào nhà, nó được xem như một điềm báo may mắn và thịnh vượng. Ngược lại ở Hy Lạp thì bị coi như quái vật, mà bò lạc sang Rome thì lại thành… sứ giả thần linh. Đúng là “đất lành rắn đậu”.

Trong các lễ tế tổ tiên, hình tượng rắn và thần Lares đôi khi xuất hiện như biểu tượng bảo hộ gia đình. Đám rắn này chắc rất hạnh phúc vì không phải “cà khịa” với anh hùng hay thần thánh gì nữa, chỉ việc ngồi yên và “hưởng phúc làng quê”.

BS Minh Quang (Hội Đông Y Hà Nội)

Theo VietnamDaily
Cúm mùa chuyển nặng, nhiều người nguy kịch… chớ coi thường

Cúm mùa chuyển nặng, nhiều người nguy kịch

Nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng như viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng... phải thở máy, lọc máu. Cúm mùa thực sự nguy hiểm, không nên chủ quan.
back to top