Các hiệp hội doanh nghiệp phản đối
Trong văn bản gửi Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) về đánh giá Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho rằng, năng năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) da giầy Việt Nam sẽ bị suy giảm khi giảm giờ làm, tăng giờ làm thêm. Về lâu dài nếu không có giải pháp khắc phục, thay đổi này sẽ khiến cho DN phải thu hẹp sản xuất.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký LEFASO, nếu giảm giờ làm việc còn 44 giờ/tuần, tức là sẽ giảm khoảng 9% thời giờ làm việc so với 48 giờ/tuần như hiện nay. Với phương thức khoán sản phẩm cho người lao động mà phần lớn các DN da giày đang thực hiện, tính trên tổng số lao động đang sử dụng trong ngành là khoảng 1,5 triệu người, thì số lượng sản phẩm người lao động làm được cũng sẽ bị giảm xuống tương ứng tỷ lệ giảm là 9%. Tỷ lệ sản phẩm giảm sẽ kéo theo kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giầy bị giảm xuống khoảng 9%/năm.
Với kim ngạch xuất khẩu ngành da giầy dự kiến đạt trên 20 tỷ USD trong những năm tới thì mỗi năm ngành da giầy sẽ mất gần 2 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Đề xuất quy định giảm xuống 44 giờ/tuần sẽ làm gia tăng gánh nặng chi phí rất lớn của DN. Mặt khác không phải DN nào cũng có khả năng bố trí làm thêm giờ. Chưa kể các giới hạn về làm thêm giờ cũng buộc DN và người lao động không thể có những thoả thuận về việc này một cách thuận lợi. Khi đó, doanh thu của DN và chế độ lương, thưởng của người lao động cũng sẽ bị giảm theo. Đặc biệt, những người lao động làm việc theo phương thức khoán sản phẩm, tác động tiêu cực đến thu nhập từ việc giảm giờ làm là rõ ràng và trực tiếp nhất.
Theo bà Xuân, ngay cả khi DN chấp nhận các phương án làm thêm giờ, thì chi phí làm thêm giờ sẽ được DN tính vào chi phí sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nghĩa là, giá bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và của ngành da giầy nói riêng lên sẽ bị đẩy lên, điều đó sẽ làm cho các sản phẩm da giầy càng trở nên khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường trong nước và các sản phẩm tương tự tại thị trường xuất khẩu.
Không chỉ riêng LEFASO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội: Hiệp hội Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đều đã có văn bản khẩn thiết kiến nghị về 5 vấn đề được cho là cấp thiết được quy định tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Đại diện các DN trên cho rằng, các quy định này được áp dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của DN. Cụ thể, đó là các quy định về giờ làm thêm tối đa, giờ làm việc thông thường trong tuần, định nghĩa về tiền lương và ngày nghỉ để đảm bảo quyền công đoàn của người lao động.
Làm tăng ca nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của người lao động. |
Nhiều ý kiến trái chiều
Theo ý kiến của các hiệp hội, công chức nước ta đã làm việc 40 giờ/tuần theo Quyết định 188/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng công chức không phải là người trực tiếp tạo ra sản phẩm nên việc giảm giờ làm việc của họ đã không tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Còn với người lao động, mọi khoản thu nhập ngoài lương đều từ một nguồn duy nhất, đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nôm na là tùy thuộc vào việc “cái bánh” mà doanh nghiệp làm ra lớn hay nhỏ. Nếu làm ít giờ đi thì chiếc “bánh” sẽ nhỏ lại. Bánh nhỏ lại thì phần của mỗi người cũng sẽ ít đi - điều mà cả doanh nghiệp và người lao động khó hài lòng.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong điều kiện hiện nay, phương án mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm là đề xuất hợp lý bởi trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều DN đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, 60% DN không có lãi. Trong khi đó, năng suất lao động của nước ta còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Giờ làm việc ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào,… đều là 48 giờ/ tuần. Năng suất lao động hiện nay của VN trong khu vực ASEAN là rất thấp, chỉ đứng trên Campuchia. “Đây là thời điểm chúng ta phải nỗ lực lao động để phát triển đất nước. Cả người lao động và chủ sử dụng lao động phải đồng cam cộng khổ cùng làm việc nhiều hơn" - Chủ tịch VCCI nói.
Tuy nhiên, đại diện người lao động, chị Bùi Thị Huyền, công nhân Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng cho rằng, tăng giờ làm thêm chỉ có lợi nhiều cho giới chủ doanh nghiệp. Hiện tại tùy lĩnh vực, tùy doanh nhiệp nhưng đa phần công nhân đã phải thường xuyên tăng ca, làm thêm rất nhiều mới đáp ứng doanh nghiệp. Trong thời tiết nắng nóng như mùa hè vừa qua, điều kiện làm việc các khu xưởng không điều hòa, quạt hơi nóng như nung, người lao động không thể làm việc kéo dài. Tăng giờ làm thêm là bất lợi cho người lao động, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, ảnh hưởng tới gia đình, tương lai con cái và sự ổn định xã hội.
"Công nhân có nhu cầu làm thêm, nhưng làm quần quật mười mấy tiếng mà không nghỉ ngơi thì không phù hợp. Tăng giờ làm thêm ở đây là bức thiết chứ không phải nhu cầu tự thân, tự giác" - chị Huyền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, nhiều người không muốn làm thêm giờ nhưng phải làm, điển hình là 400.000 cán bộ y tế. Tiền trực quá thấp, chỉ 115.000 đồng ở đơn vị y tế cấp 1, 95.000 đồng ở đơn vị y tế cấp 2, không đủ tái tạo sức lao động. Với một số nghề tiềm ẩn nguy hiểm như lái xe đường dài, xe bus, máy bay… thì không tăng số giờ làm thêm, thậm chí phải bắt buộc nghỉ ngơi.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, ông rất phân vân về quy định tăng giờ làm thêm bởi mục tiêu hướng tới là phải tăng lương giảm giờ làm. Hiện nay tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, công nghệ càng phát triển, trình độ quản lý của doanh nghiệp tốt hơn, không có lý gì lại tăng thêm giờ làm. Bộ luật này đưa ra không chỉ cho năm nay, năm sau mà cho lâu dài, nhiều năm. Công nhân cần làm thêm ít hơn nhưng tiền lương, thu nhập phải cao hơn, đồng thời phải được nghỉ ngơi, có thời gian cho gia đình thì mới là một dự luật tiến bộ.