Nhiều trường hợp nguy kịch vì thai ngoài tử cung: Chị em cần lưu ý gì?

Khoảng một nửa số phụ nữ mang thai ngoài tử cung không có các yếu tố nguy cơ. Phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục cần cảnh giác với những thay đổi của cơ thể, đặc biệt nếu gặp phải các triệu chứng mang thai ngoài tử cung.

Liên tiếp các ca nhập viện trong tình trạng nguy cấp

Thời gian vừa qua, Khoa Sản BVĐK Xuyên Á liên tục tiếp nhận và xử lý thành công nhiều trường hợp thai ngoài tử cung, thai phụ nhập viện trong tình trạng nguy cấp.

Cụ thể, vào ngày 21/11/2024, chị L. T .T .T (30 tuổi, Củ Chi) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, tiểu buốt.

Chị T. cho biết, chị bị trễ kinh một tháng nay, hai ngày trước khi nhập viện chị bị đau bụng, có đi thăm khám tại một cơ sở y tế và được cho dùng thuốc giảm đau nhưng không thuyên giảm.

Tiếp nhận bệnh nhân tại Khoa Cấp Cứu, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định siêu âm phát hiện thấy dịch ổ bụng nhiều, nghi ngờ máu. Chị T. được chẩn đoán thai ngoài tử cung vỡ gây mất máu trong ổ bụng và được chuyển mổ cấp cứu khẩn để xử trí bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.

Trong quá trình nội soi, ekip phẫu thuật viên Khoa Sản Phụ khoa nhận thấy bệnh nhân có khối thai ngoài ở tai vòi bên trái. Các bác sĩ đã tiến hành cắt tai vòi bên trái, cầm máu. Trong mổ, ghi nhận người bệnh mất 2 lít dịch ổ bụng, bệnh nhân được dự trù máu và được truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng.

Sau hơn 30 phút, ca phẫu thuật kết thúc thành công tốt đẹp, người bệnh tỉnh táo, sinh hiệu ổn và được chuyển về Khoa Sản Phụ khoa để tiếp tục theo dõi chăm sóc. Một ngày sau đó, chị T. đã phục hồi sức khỏe, trở lại sinh hoạt bình thường và được xuất viện.

Chia sẻ về tình trạng thai ngoài tử cung, BS Phạm Văn Sơn, Khoa Sản Phụ Khoa BVĐK Xuyên Á cho biết: Những triệu chứng thường gặp của thai ngoài tử cung như đau bụng, ra huyết âm đạo bất thường, trễ kinh,...

Những triệu chứng này có thể xuất hiện cùng lúc hoặc đơn lẻ. Bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản đều có nguy cơ bị thai ngoài tử cung. Vì thế, khi gặp phải những triệu chứng trên thì phụ nữ nên đi thăm khám để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Đặc biệt, những phụ nữ mang thai cần đi thăm khám thai định kỳ để theo dõi và phát hiện, điều trị sớm các bất thường.

Bệnh nhân hồi phục sau tình trạng nguy cấp - ảnh BVCC

Bệnh nhân hồi phục sau tình trạng nguy cấp - ảnh BVCC

Tình trạng cấp cứu nguy kịch chị em chớ chủ quan

TS. BS. Đỗ Tuấn Đạt, trưởng khoa A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung. 90% chửa ngoài tử cung là chửa tại vòi trứng.

Các yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung bao gồm: Mang thai ngoài tử cung trước đây; Có tiền sử phẫu thuật vòi trứng; Có tiền sử phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng; Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs); Bệnh viêm vùng chậu; Lạc nội mạc tử cung.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ: Hút thuốc lá; Tuổi trên 35 tuổi; Tiền sử vô sinh; Hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Khoảng một nửa số phụ nữ mang thai ngoài tử cung không có các yếu tố nguy cơ đã biết. Phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục cần cảnh giác với những thay đổi của cơ thể, đặc biệt nếu gặp phải các triệu chứng mang thai ngoài tử cung:

- Chảy máu âm đạo bất thường

- Đau lưng dưới

- Đau nhẹ ở bụng hoặc xương chậu

- Chuột rút nhẹ ở một bên xương chậu

Nếu chảy máu âm đạo bất thường và đau vùng chậu, bạn cần thông báo cho bác sĩ sản phụ khoa. Khi thai ngoài tử cung phát triển, đặc biệt là nếu ống dẫn trứng bị vỡ, các triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm:

- Đau đột ngột, dữ dội ở bụng hoặc xương chậu

- Đau vai

- Yếu, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Ngay khi gặp những dấu hiệu ban đầu trên, bạn cần khám với bác sĩ sản phụ khoa chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, tránh trường hợp phát hiện muộn gây chảy máu bên trong, ngất xỉu thậm chí tử vong.

Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể không xuất hiện và chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám thai, hoặc xuất hiện riêng lẻ không đồng thời với nhau, đặc biệt khi người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, cho đến khi khối thai bị vỡ gây đau và mất máu mới tìm đến khoa cấp cứu các bệnh viện hoặc bệnh nhân bị choáng ngất được đưa vào viện cấp cứu.

Vì vậy, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần cảnh giác thai ngoài tử cung, nếu có hiện tượng trễ kinh hoặc ra máu âm đạo bất thường, đau bụng dưới, ra huyết âm đạo rỉ rả kéo dài, nhất là nếu đau tăng dần, mệt nhiều, vã mồ hôi, ngất xỉu… cần phải được vào khám ngay tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Phát hiện sớm bảo tồn khả năng sinh sản

BS Nguyễn Hương Trà, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh báo: Nếu bạn từng mang thai ngoài tử cung, bạn có nguy cơ lặp lại điều này ở những lần mang thai sau.

Vì vậy, trong lần mang thai tiếp theo, hãy cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung cho đến khi bác sĩ xác nhận thai nhi đang phát triển ở đúng vị trí.

Cách phòng ngừa thai ngoài tử cung tái phát:

- Thời gian an toàn để có thai trở lại ít nhất là sau điều trị thai ngoài tử cung 6 tháng.

- Khuyến cáo sau 3 tháng điều trị cần kiểm tra lại để đánh giá có tổn thương vùng vòi, tử cung

- Giữ vệ sinh âm hộ, âm đạo sạch sẽ đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa hoặc sau sinh đẻ.

- Cần điều trị tích cực khi được chẩn đoán viêm âm hộ, âm đạo, viêm phần phụ…

Kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi mang thai là biện pháp tốt nhất giảm thiểu rủi ro cho bạn và thai nhi. Vì vậy, cần thăm khám lại sau điều trị thai ngoài tử cung một cách kỹ lưỡng.

Trước khi mang thai bạn cần đi khám ở những cơ sở chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, góp phần giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.


Cách phòng ngừa biến chứng mang thai ngoài tử cung

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện các kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra phụ khoa để phát hiện sớm những bất thường.

- Điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm: Chữa trị kịp thời các bệnh viêm nhiễm vùng chậu, tránh để tình trạng kéo dài gây tổn thương ống dẫn trứng.

- Tránh hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, do đó nên từ bỏ thói quen này.

- Sử dụng biện pháp tránh thai an toàn: Nếu không có kế hoạch mang thai, hãy sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để giảm nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu có tiền sử mang thai ngoài tử cung hoặc có các yếu tố nguy cơ cao, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch theo dõi và chăm sóc phù hợp.

Theo VietnamDaily
Hôn trẻ liệu có nguy hiểm?

Hôn trẻ liệu có nguy hiểm?

Hôn là hành động thể hiện tình cảm giúp gắn kết giữa người này với người khác. Tuy nhiên, nụ hôn đôi khi lại là tác nhân gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe con trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Thời điểm lý tưởng nhất cho chuyện “yêu"

Thời điểm lý tưởng nhất cho chuyện “yêu"

Tình dục là nhu cầu sinh lý tất yếu của đời sống vợ chồng, nhưng không phải "yêu" vào mọi thời điểm đều mang lại khoái cảm. "Yêu" vào buổi sáng sẽ cho bạn những hứng khởi mới, cảm xúc mới tuy ngắn ngủi nhưng tràn đầy hứng thú...
back to top