Hàng năm trên toàn thế giới có 400 tỷ ly cà phê được tiêu thụ và nhu cầu đến tham quan các cửa hiệu, cơ sở sản xuất hoặc đồi cà phê của người tiêu dùng cũng rất lớn. Xu hướng này đang ngày càng đòi hỏi phải tạo ra một môi trường thưởng thức, tìm hiểu văn hóa cà phê của một địa danh, địa phương trồng, sản xuất cà phê.
Cho đến nay, các chuyên gia nhìn nhận, cùng với danh tiếng về chất lượng và các đồn điền cà phê lớn, giá trị của cây cà phê đã không chỉ dừng lại ở mức độ thương mại hay xuất khẩu, mà nó hoàn toàn có thể được áp dụng nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cụ thể là du lịch cà phê. Theo đó, du lịch cà phê sẽ giúp các địa phương thúc đẩy phát triển các sản phẩm cà phê như quà lưu niệm và các loại đồ uống khác nhau để nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách; đồng thời loại hình du lịch này sẽ ngày càng có vị trí và đóng góp quan trọng đối với kinh tế của địa phương.
Việt Nam có nhiều điều kiện để khai thác, phát triển du lịch cà phê |
Đối với Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới sau Brazil, với tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 1,6 -1,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 - 2,8 tỷ USD. Cà phê Việt Nam chủ yếu được trồng tại các tỉnh ở Tây Nguyên, vùng đất có khí hậu tương đối mát mẻ, có tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú và những nét đặc trưng văn hóa rất riêng. Tây Nguyên còn là nơi tập trung sinh sống của 47 dân tộc, với những giá trị văn hóa của người vùng cao, mang tính đặc sắc từ kiến trúc, nét sinh hoạt, phong tục, tập quán và các lễ hội.
Có thể nói, việc khai thác thế mạnh của cà phê trong du lịch cũng chính là khai thác những nét đẹp văn hóa vô cùng đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Mặt khác, chính bản sắc của cộng đồng sẽ là điểm tựa để sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn nữa với du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, Tây Nguyên đã hình thành những tour du lịch cà phê được lòng du khách như: Tour tham quan nông trại cà phê, Bảo tàng cà phê thế giới, Làng cà phê, thưởng thức cà phê, tham quan quy trình sản xuất cà phê chồn - loại cà phê đặc trưng của Việt Nam...
Tại Hội thảo trực tuyến “Du lịch cà phê từ xây dựng sản phẩm đến xúc tiến” mới đây do Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức, ông Lê Hoàng Cơ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Đam San - cho biết, đơn vị đã xây dựng sản phẩm du lịch cà phê từ năm 2005. Đặc biệt, với sự định hướng của Tổng cục Du lịch, Sở VH-TT&DL Đắk Lắk cùng sự kết hợp với cộng đồng dân cư địa phương, công ty đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp lữ hành và truyền thông từ các trọng điểm du lịch của cả nước tới khảo sát làm quen với sản phẩm và cùng quảng bá, giới thiệu, cung cấp tour du lịch cà phê tới du khách. “Dù còn mới mẻ, song các sản phẩm du lịch cà phê đặc sắc của công ty đã được du khách đón nhận nhiệt tình, tạo trải nghiệm mới mẻ cho khách, qua đó hỗ trợ, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn”- ông Cơ thông tin.
Con bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc Công ty TNI King Coffee (Việt Nam) - chia sẻ, Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” khi sở hữu vựa cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của cây cà phê cùng với niềm đam mê và gu thưởng thức đặc biệt đã tạo ra một nét riêng độc đáo mang tên “phong cách cà phê Việt Nam”. Việt Nam phát triển du lịch cà phê sẽ giúp khẳng định vị thế và danh tiếng của cà phê Robusta Việt Nam trên thị trường cà phê thế giới, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của ngành cà phê và ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã khai thác phát triển rất mạnh du lịch cà phê, trong đó điển hình là Colombia. Theo đại diện đại sứ quán Colombia tại Việt Nam, cà phê đóng vai trò quan trọng trong nền văn hoá và lịch sử của quốc gia này, bởi cà phê là một phần trong mỗi câu chuyện, định hình nên các vùng đất, dân cư và kinh tế - xã hội của đất nước. Với những hạt cà phê ngon nhất trên thế giới, Colombia đã trở thành điểm đến du lịch không thể bỏ qua của những người yêu thích loại thức uống phổ biến hàng đầu đến trải nghiệm văn hoá trồng trọt, chế biến và pha chế cà phê.
Từ kinh nghiệm phát triển du lịch cà phê, đại diện Colomia cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch cà phê, Việt Nam cần phải gắn với cộng đồng, chú trọng xây dựng, đầu tư không gian văn hoá cà phê nhằm tạo sức hấp dẫn riêng biệt cho điểm đến. Đặc biệt là quan tâm, sáng tạo trong công tác xúc tiến, quảng bá, đồng thời tạo dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp, vùng miền, quốc gia để có thể xây dựng mạng lưới du lịch cà phê - cộng đồng.
Thời gian qua, hoạt động du lịch toàn cầu bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, riêng với du lịch Việt Nam thời điểm hiện tại cũng như tương lai phía trước là chuỗi các thách thức, đặt ra nhiều bài toán lớn trong việc phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, dù khó khăn, nhưng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã và đang nỗ lực duy trì trong khoảng thời gian khó khăn này để nâng cao năng lực nội tại, từng bước phục hồi và đưa ngành du lịch phát triển thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm, khai thác, xây dựng loại hình du lịch cà phê là hướng đi rất tích cực, được ngành du lịch đánh giá cao và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ. Bởi loại hình sản phẩm này phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hậu Covid-19 của ngành kinh tế xanh của Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Hà Văn Siêu - nhận định, nhờ vị trí xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới cũng như nền văn hoá cà phê đặc trưng, Việt Nam được biết đến ngày càng rộng rãi trên thế giới. Theo đó, tiềm năng, dư địa để phát triển loại hình du lịch cà phê của Việt Nam rất lớn. Không chỉ vậy, kỳ vọng sự kết hợp giữa du lịch và cà phê sẽ nâng vị thế của cả hai ngành, mở ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp, cũng như tạo ra sản phẩm du lịch mới cho du khách trải nghiệm, tăng sức hút cho du lịch Việt Nam. Tới đây, ngành du lịch sẽ thúc đẩy nghiên cứu, triển khai và tạo điều để các địa phương, doanh nghiệp khai thác, phát triển dòng sản phẩm này.