Nhiều bệnh gây suy giáp trung ương

(khoahocdoisong.vn) - Không chỉ có khối u não mới gây suy giáp trung ương mà cả bệnh tim mạch, nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật xạ trị…cũng gây bệnh. Bệnh ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể.

Suy giáp là bệnh thường gặp ở người trưởng thành với dấu hiệu điển hình nhất là phù niêm, ốm yếu, mệt mỏi, sợ lạnh, táo bón, trọng lượng cơ thể thay đổi, trầm cảm, rong kinh, khàn tiếng, da khô, nhịp tim chậm, phản xạ gân xương đáp ứng chậm, thiếu máu, hạ natri máu, độ tập trung T4, iod phóng xạ thường thấp tại tuyến giáp, thiếu hụt hormon tuyến giáp TSH, TSH cao trong suy giáp tiên phát. Suy giáp trung ương bao gồm tất cả mọi nguyên nhân làm suy giảm khả năng bài tiết ra các TSH như: Giảm bài tiết, vận chuyển, hoạt động chức năng của TRH.

Thuật ngữ suy giáp trung ương được sử dụng vì trong thực tế nhiều khi khó mà phân biệt được của tuyến yên hay vùng dưới đồi. Thuật ngữ này cũng bao gồm những trường hợp mất nhịp tiết ngày đêm của TSH. Có hai nguyên nhân gây suy giáp trung ương (ở vùng hypothalamus/tuyến yên) là do mất chức năng của mô và thiếu hụt chức năng tổng hợp và bài tiết TSH.

Mất chức năng của mô thường do: Khối u (khối u tuyến yên, u sọ hầu, u màng não, u loạn phát tế bào mầm, u thần kinh đệm, ung thư di căn); Chấn thương, phẫu thuật, xạ trị, chấn thương sọ; Bệnh tim mạch, xơ hóa mạch, chảy máu, vỡ đứt cuống não, chứng phình nội mạc động mạch cảnh; Thâm nhiễm bệnh sarcoidosis, thâm nhiễm lympho bào, nhiễm sắt máu; Bệnh nhiễm trùng, áp xe, lao, giang mai, bệnh Toxoplasma; Các bệnh bẩm sinh, suy tuyến yên, bệnh màng não…Thiếu hụt chức năng tổng hợp và bài tiết TSH do đột biến gen mã hóa receptor TRH, TSH, Pit-1; Sử dụng các thuốc như dopamin, glucocorticoid, giai đoạn ngừng L – thyroxin.

Nguyên nhân suy giáp trung ương ở trẻ em phần lớn là do u sọ hầu. Theo thống kê nguyên nhân do u sọ hầu có tới 53% giảm mức TSH trong máu, u loạn phát triển tế bào mầm – 6,0% có giảm mức TSH máu. Ở người trưởng thành hầu hết là do các bệnh tuyến yên hoặc sau phẫu thuật, xạ trị vùng tuyến yên. Tỷ lệ suy giáp sau xạ trị khá cao, trên 65%, thường xảy ra sau xạ nhiều năm. Trong những trường hợp này thiếu TSH thường xảy ra sau khi đã mất khả năng tiết các hormon GH và gonadotropin. Cũng đã có những thông báo lẻ tẻ tình trạng suy giáp được phục hồi sau khi phẫu thuật lấy tuyến yên.

PGSTS Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư)

Theo Đời sống
back to top