Nhận biết dị ứng cùng phản ứng có hại do thuốc

Thuốc là con dao hai lưỡi vừa có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng không ít trường hợp bị dị ứng và những phản ứng có hại cho sức khỏe. Nhận biết các tác hại của thuốc để có cách phòng ngừa và xử lý kịp thời, tránh tai biến nguy hiểm cho tính mạng.

Ảnh minh họa.

Dị ứng thuốc: Là phản ứng quá mức, bất thường, có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc (có sự kết hợp dị nguyên với kháng thể hoặc lympho bào mẫn cảm), do đã có giai đoạn mẫn cảm và gây ra những phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân.

Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng thuốc, có tính mẫn cảm chéo, với một số triệu chứng và hội chứng lâm sàng đặc trưng, thường có biểu hiện ngoài da và rất ngứa. Nếu dùng lại thuốc này hoặc họ hàng với nó thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra nặng hơn và có thể tử vong.

Đặc ứng thuốc: Tình trạng một cá thể nhạy cảm bất thường, đặc biệt và bất ngờ do một loại thuốc nào đó với liều lượng rất thấp so với liều điều trị, gặp ở một số người không liên quan đến tác dụng dược lý quen biết. Ví dụ tình trạng thiếu máu do phenyltoin, tình trạng viêm tế bào thần kinh do izoniazid hay suy tủy xương do chloramphenicol….

Không dung nạp thuốc: Tình trạng bất bình thường trong chức năng chuyển hóa liên quan đến khả năng chuyển hóa một số thuốc, có khuynh hướng di truyền. Là phản ứng kịch liệt của cơ thể đối với một loại thuốc riêng biệt. Triệu chứng lâm sàng giống ngộ độc thuốc, thường xảy ra riêng biệt trên một số ít người khi dùng liều lượng thuốc bình thường hoặc rất nhỏ.

Biểu hiện lâm sàng giống nhau khi dùng lại chính thuốc đó, không phát triển mạnh hơn hay nguy hiểm hơn. Ví dụ, uống một vài giọt thuốc atropin có thể làm giãn đồng tử hoặc hạ huyết áp; ngủ kéo dài vài chục giờ sau khi uống một viên thuốc kháng histamin; đau dạ dày do không dung nạp peicillin để chữa một nhiễm trùng nghiêm trọng nào đó thì bệnh nhân vẫn an toàn, tuy người bệnh đành phải chịu đựng những cơn đau dạ dày nhất định sẽ xảy ra…

Độc tính của thuốc: Xảy ra ở bất kỳ người nào hoặc nhiều người khi cùng dùng một khối lượng thuốc khá lớn hoặc với liều thấp khi người bệnh già yếu, suy giảm chức năng một số cơ quan (gan, thận…) hoặc thuốc có độc tính cao. Ví dụ như chlorpromazin liều cao có thể làm hạ huyết áp và tử vong…

Tác dụng phụ của thuốc: Tác động không mong muốn do thuốc, có thể đoán trước được với một số loại nhất định, ngoài tác dụng trị liệu chính. Ví dụ như atropin gây khô miệng; aspirin và chống viêm steroid gây loét dạ dày; kháng sinh aminoglycosid, furosemid gây ảnh hưởng ốc tai và tiền đình; doxycyclin, muối sắt gây loét thực quản; thuốc kháng histamin H1 gây buồn ngủ; một số thuốc ung thư gây rụng tóc…

Tác dụng thứ phát của thuốc: Biểu hiện lâm sàng giống như sẽ xảy ra trên những người cùng dùng một loại thuốc nào đó liều cao, kéo dài. Ví dụ như hội chứng giả Cushing sau khi dùng corticoid hoặc loạn khuẩn, nhiễm nấm, thiếu vitamin sau dùng kháng sinh…

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn

(nguyên Giám đốc Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top