Ảnh minh họa |
Cầu cao, cung thấp… chung cư mini “mọc lên như nấm”
Thảm họa cháy chung cư mini ở Hà Nội cho thấy thực trạng thiếu trầm trọng nhà ở bình dân tại các thành phố lớn. Dư luận đặt câu hỏi: Nguồn cung nhà ở xã hội èo uột đã đẩy một bộ phận người dân tìm đến chung cư mini?
Trong các loại hình về nhà ở hiện nay, rõ ràng, nhu cầu nhà ở dành cho người thu nhập thấp rất cao, thậm chí là điểm nóng. Nhà nước mới đặt ra đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều địa phương, nhất là Hà Nội đang thiếu nhà ở xã hội khi nguồn cung vẫn èo uột.
Có cầu ắt có cung, thời gian qua, ở Hà Nội, một số hộ gia đình đã xây dựng chung cư mini có quy mô nhỏ, thu hút được số đông đối tượng di cư tự do như học sinh, sinh viên, người lao động.
Thảm họa cháy chung cư mini vừa qua cho thấy, chúng ta thiếu quản lý, thiếu các cơ sở pháp lý như tiêu chuẩn khai thác, sử dụng. Công tác giám sát kiểm tra quá trình khai thác sử dụng, nhất là kiểm tra về Phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được tiến hành thường xuyên với loại hình nhà ở kiểu này.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm |
Nhà ở xã hội: Tháo gỡ thủ tục để “cung” bằng “cầu”
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, dự thảo Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi) giảm bớt thủ tục đối với doanh nghiệp và người mua tiếp cận nhà ở xã hội. Điều này sẽ “xoá” được thảm hoạ chung cư mini?
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có những cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội như miễn tiền sử dụng đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi…
Người thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội cũng được giảm bớt thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội, trong đó bỏ tiêu chí về cư trú, công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở. Việc giảm thủ tục với nhà đầu tư, làm rõ hơn điều kiện để người dân có thể tiếp cận nhà ở xã hội sẽ góp phần thúc đẩy nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, bên cạnh việc dễ dàng tiếp cận, điều quan trọng là phải đầu tư xây dựng mạnh lên. Thực tế, thời gian qua, chúng ta cũng thấy khó khăn trong việc thực hiện đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đối với một số đô thị như Hà Nội, TP HCM, chúng ta thấy càng khó khăn hơn nữa. Mô hình nhà ở xã hội tập trung, mô hình nhà ở xã hội riêng lẻ cần phải làm rõ hơn và thể hiện theo quy hoạch.
Vẫn phải đề cập tồn tại “tệ nạn” nhà giàu tranh suất nhà nghèo để mua nhà ở xã hội, nên chế tài rà soát, kiểm soát thực trạng này nên thế nào?
Tình trạng lợi dụng như trên không phải hiếm. Nguyên nhân là hiện nay cung thấp hơn cầu. Do đó, cần có sự cải cách, phải làm sao đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cung bằng cầu.
Thực tế, thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, trong đó có việc xác định đối tượng hưởng quyền lợi còn chưa đúng. Để nhà ở xã hội hướng đến đúng đối tượng có nhu cầu thực sự, Nhà nước phải có cơ chế, giải pháp cụ thể trong việc đề ra sản phẩm, phân phối sản phẩm đến đúng đối tượng. Trong đó, quan trọng là cần chú trọng tính minh bạch để người dân có thể nắm bắt, đồng thời phải chặt chẽ trong việc thực thi pháp luật, đồng bộ về cơ sở dữ liệu và quản lý. Các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng thụ nhà ở xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định mức giá bán nhà ở xã hội dao động 15 triệu đến 20 triệu đồng/m2 và chỉ nên mỗi căn hộ 40-50m2 thì người thu nhập thấp mới có cơ hội “an cư lập nghiệp”... có phù hợp?
Việc cần thiết hiện nay phải xem xét, kiểm soát giá bán chứ không nên đưa ra quy định mức giá bán dao động bao nhiêu. Bởi giá bán liên quan chất lượng xây dựng. Mỗi địa phương có một cách áp giá khác nhau. Tình hình biến động như hiện nay không nên có quy định một giá khung trần mà nên tùy từng địa phương.
Bài học từ giá đất cũng thế, khi Nhà nước quy định khung giá đất, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ không nên xây dựng khung giá cụ thể mà địa phương phải xây dựng, kiểm soát dự toán, khái toán chuẩn xác.
Cần “nhà đầu tư trách nhiệm”!
Sở hữu được nhà nhưng vấn đề cấp thiết hơn đặt ra là sự an toàn cho các hộ dân sinh sống. Theo đó, đòi hỏi không chỉ chủ đầu tư cần phải là “nhà đầu tư trách nhiệm” mà Nhà nước cũng cần chung tay?
Trước hết phải hoàn thiện cơ chế chính sách về vấn đề nhà ở xã hội, đồng thời phải có sự đổi mới công tác quy hoạch, làm rõ mô hình, các vị trí có thể xây dựng nhà ở xã hội như nào một cách rõ ràng hơn.
Cơ chế chính sách phải đồng bộ hơn, tăng cường công tác giám sát, nhất là việc thực hiện quy định về an toàn nhà ở như PCCC…
“Cò” nhà ở xã hội nhiều như “nấm sau mưa”, cách nào để người dân mua nhà đúng giá?
Đây là vấn đề liên quan môi giới bất động sản. Hiện, có rất nhiều quy định về việc này. Vấn đề là phải giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm. Thực tế, không thấy ai kiểm tra.
Xin cảm ơn KTS Đào Ngọc Nghiêm!
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Không được hợp thức hóa chung cư mini trong luật Nhà ở”
Tại phiên họp thứ 26 sáng 20/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án luật Nhà ở sửa đổi, dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này.
“Trước đây dự thảo luật đã thiết kế một điều riêng cho chung cư mini bây giờ vẫn giữ, nhưng biến thành một điều khác. Cần rà soát lại dự thảo luật Nhà ở, không được hợp thức hóa chung cư mini trong luật Nhà ở. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi rất đau xót, nghiêm trọng”, Chủ tịch Quốc hội cho biết
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề xuất, liệu có nên cho phép Hà Nội có quy định riêng về tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng trong các vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy hay không.
Hà Nội: 13 Dự án nhà ở xã hội mở bán năm 2023
Là các dự án: Nhà ở xã hội Rice City Thượng Thanh (Rice City Long Biên); Nhà ở xã hội Rice City Tố Hữu; Nhà ở xã hội NHS Trung Văn; Nhà ở xã hội Sunrise Home Thanh Trì; Dự án nhà ở xã hội FLC Garden City; Nhà ở xã hội Udic Eco Tower Hạ Đình; Nhà ở xã hội Hacinco Nguyễn Xiển (Đại Kim Center); Nhà ở xã hội Bảo Ngọc City Long Biên; Nhà ở xã hội 486 Ngọc Hồi; Nhà ở xã hội Vân Canh; Nhà ở xã hội Kim Hoa; Nhà ở xã hội Hồng Hà Eco City; Nhà ở xã hội Green Tower Đại Mỗ.
Điều kiện mua nhà ở xã hội
Theo Điều 51 Luật Nhà ở 2014, các đối tượng được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng 3 điều kiện sau: Về nhà ở, phải là người chưa sở hữu được nhà ở riêng; phải là cá nhân chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại khu vực sinh sống; trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình, diện tích ngôi nhà chỉ ở mức bình quân đầu người so với toàn hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu.
Về cư trú, đối tượng được mua nhà ở xã hội phải đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không đăng ký thường trú, thì phải đăng ký tạm trú từ một năm trở lên.
Về thu nhập, phải là cá nhân không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên; Phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Theo Quyết định 486/QĐ-Ttg ngày 10/5/2023 của Chính phủ, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 4,8%/năm.