Ảnh thờ Nguyễn Văn Thành tại đình Tân An (Bình Dương).
Nghĩa cả vua tôi sống chết vẫn theo đi
Nguyễn Văn Thành (1758-1817), vốn người xứ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong, huyện Quảng Điền, tổng Phú Ốc, xã Bác Vọng, nhiều đời di dời vào Gia Định.
Năm Quý Tị 1773, ông cùng cha ra Phú Yên theo Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, chống Tây Sơn. Năm Ất Mùi 1775, tháng 7 âm lịch, Phú Yên bị đánh úp, cai đội Nguyễn Văn Hiền, cha ông tử trận.
Năm Mậu Tuất 1778, ông theo Nguyễn Văn Hoàng đóng đồn ở Phan Rí, Nguyễn Văn Hoàng mất, Nguyễn Ánh cho triệu ông về.
Năm Bính Ngọ 1786, ông cùng Lê Văn Quân giúp Xiêm La đánh tan quân Miến Điện ở Sài Nặc (trên đất Xiêm), vua Xiêm thán phục trở về đem vàng, lụa đến tạ, lại ngỏ ý một lần nữa giúp quân cho Nguyễn Ánh thu phục Gia Định.
Năm Đinh Mùi 1787, vào mùa thu, Đại Nam liệt truyện ghi: “…trận đánh ở Mỹ Tho, quân ta thất lợi. Hoặc có người bảo Thành về ẩn quê nhà, để đợi thời cơ.
Thành nói: “Nghĩa cả vua tôi sống chết vẫn theo đi, sự thành bại nhờ trời, ta đoán trước sao được và nhân bị quở mà đi, nhân thua mà trốn là phản phúc, tiền nhân ta không làm thế.'”.
Tổng trấn Bắc thành
Năm Tân Dậu 1801, Nguyễn Văn Thành lãnh ấn Khâm sai Chưởng tiền quân, Bình Tây Đại tướng quân, tước Quận công; là người “biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng, vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán; ông cũng đem hết sức hiểu biết tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích”.
Về cầm binh, Tiền quân Nguyễn Văn Thành là vị tướng “phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ”.
Trong một truyền dụ của triều đình còn ghi: “quân ta giao tranh, đánh ba trận thắng ba trận, ta lấy được La Thai, tuy chưa bắt được hết nhưng cũng là toàn thắng. Đó thực là do đại tướng giỏi cầm quân và các quân lui theo mệnh lệnh…”.
Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long là trung tâm của Bắc thành với nghìn năm văn hiến, đồng thời cũng là nơi từng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên được trọng thần để trấn thủ bèn phong cho ông làm Tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân.
Ban cho sắc ấn trong ngoài mười một trấn đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án, đều được tiện nghi làm việc, sau mấy năm đất Bắc Hà được yên trị.
Vào tháng Chạp năm 1802, tại Thuận Hóa, ông đứng chủ tế lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến Nguyễn Ánh với Tây Sơn.
Ông đã soạn bài “Văn tế tướng sĩ trận vong”, lúc tế ông đọc bài văn này, lấy cảm tình của một võ tướng mà giãi bày công trạng anh hùng của kẻ đã qua, thổ lộ tấm lòng thương tiếc của người còn lại, lời văn thống thiết, giọng văn hùng hồn, đây thật là một áng văn chương tuyệt bút của nền văn học Việt Nam.
Là một võ tướng, Nguyễn Văn Thành lại là người rất coi trọng việc học hành thi cử, Giáp Tý 1804, ông tâu: “Hiện nay Thánh thượng lưu ý đào tạo nhân tài, chia đặt đốc học, rèn đúc học trò, để cống hiến cho đất nước. Đó thực là cơ hội lớn để sửa đổi phong tục tác thành nhân tài.
Nhưng sự dạy dỗ mới bắt đầu thì văn khoa cử nên có kiểu mẫu làm khuôn phép cho học trò. Vậy xin chuẩn định học quy, người dạy lấy đó mà dạy học trò và học trò lấy đó làm chuyên nghiệp để cho giảng dạy khảo khóa lấy đó mà theo”. Vua liền chuẩn lời tâu.
(còn nữa)
Nguyễn Trung Thành