Theo các số liệu thống kê mới nhất, ung thư đại trực tràng gặp ở nam nhiều hơn nữ (nam 19/100.000 người, nữ 14,5/100.000 người) và đang có xu hướng trẻ hóa dần, tăng theo thời gian. Ths.BS Lê Anh Tuấn, BV Ung bướu Hưng Việt cho biết, trước đây ung thư đại trực tràng hay gặp ở những người trên 50 tuổi nhưng ngày nay, rất nhiều người ở lứa tuổi 20-30 đã mắc bệnh.
Nguy hiểm căn bệnh này ở chỗ, bệnh thường được phát hiện muộn, có nhiều bạn sinh viên ra trường hoặc mới đi làm, khi phát hiện bệnh đã di căn vào gan, phổi nên rất khó khăn trong điều trị.
Thông thường ung thư đại trực tràng tăng nhanh khi bước qua tuổi 50. Hơn 90% ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở tuổi 50 trở lên. Hiện nay, chế độ ăn cũng như lối sống đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và tiến triển của bệnh. Việc ăn nhiều đồ ăn chứa đạm, mỡ, chế độ ăn nhiều chất bảo quản, thói quen ăn đồ nướng, rán bị cháy sinh ra chất Nitrosamine gây ung thư.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, Nitrosamin và các hợp chất N-nitroso khác là những chất gây ung thư. Những chất này thường có mặt trong thực phẩm với một lượng nhỏ. Các chất nitrit và nitrat thường có tự nhiên trong các chất bảo quản thịt, cá và các thực phẩm được chế biến, trong dưa cà khú hỏng. Tiêu thụ nhiều thức ăn có chứa nitrit và nitrat có thể gây ra ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại thực phẩm ướp muối, ngâm muối như cá muối, thịt muối có hàm lượng nitrosamin cao, không tốt cho hệ tiêu hóa. ở người trẻ tuổi, do học tập, công việc bận rộn, thói quen ăn đồ ăn nhanh cho thuận tiện dẫn đến chế độ ăn uống thiếu vitamin, chất xơ, phân để lâu trong đại tràng, niêm mạc đại tràng tiếp xúc với các chất có nguy cơ gây ung thư làm tăng khả năng tổn thương, biến đổi tế bào niêm mạc trực tràng nên dễ dẫn đến ung thư.
Yếu tố mang tính di truyền
Bệnh ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền khoảng 3-5%. Bệnh có biểu hiện ở mọi lứa tuổi, đỉnh cao từ 50 tuổi trở lên. Tất cả các loại đa polyp đại trực tràng nếu không được can thiệp thì khoảng phân nửa chuyển thành ung thư. Đối với trẻ em, có khoảng 3% viêm loét đại tràng cũng có thể dẫn tới ung thư (từ 10 tuổi đến 20 tuổi tăng lên khoảng 20% nguy cơ ung thư).
Theo Ths.BS Lê Anh Tuấn, trong gia đình nếu có người có ung thư đại trực tràng, nhất là ung thư do polyp tuyến, các thành viên như cha mẹ, anh chị em cần phải kiểm tra nội soi đại trực tràng ngay để phát hiện và điều trị polyp tuyến. Nếu bệnh nhân bị polyp tuyến mà không điều trị, cắt bỏ thì nguy cơ ung thư đại trực tràng rất cao. Đa polyp và sự tổn thương đại trực tràng có sự kết hợp với nhau rất mạnh mẽ.
Nếu phát hiện sớm đa polyp đại tràng thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ung thư để được tư vấn điều trị. Với các polyp kích cỡ >0,5cm trở lên nên cắt. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ nhận thấy, với polyp >3cm khả năng ung thư hóa rất cao.
Các mức độ ung thư hóa
Để tầm soát bệnh, theo Ths.BS Lê Anh Tuấn, người có nguy có thấp là trong gia đình người bệnh không có ai bị ung thư, bản thân người bệnh không có bệnh mãn tính về đại tràng, không có tiền sử polyp đại tràng. Những người này chỉ cần sàng lọc bệnh sau tuổi 50, có thể chỉ cần xét nghiệm phân. Những người viêm đại tràng mãn tính, có tiền sử polyp đại tràng cần soi đại tràng, xét nghiệm phân. Người có nguy cơ cao là người trong gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng, có đa polyp, có ung thư biểu mô…
Để điều trị ung thư đại trực tràng, phẫu thuật đóng vai trò chính sau đó bệnh nhân có chỉ định điều trị bổ trợ hóa chất, xạ trị tùy theo từng trường hợp bệnh. Trường hợp bệnh nhân tái phát, di căn cần điều trị thêm thuốc đích kết hợp với phác đồ hóa chất, như thuốc Avastin và nhiều loại thuốc khác. Avastin là thuốc kháng sinh mạch cản trở sự phát triển các mạch máu mới nuôi dưỡng khối ung thư. Phương pháp này có thể bỏ đói các khối u bằng cách cắt đứt đường dẫn máu đến nuôi chúng. Kết quả là các khối u sẽ tan dần đến kích thước thật nhỏ và ngủ yên.
Trường hợp bệnh nhân không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị cơ bản thì điều trị bằng miễn dịch hay liệu pháp sinh học có thể là một lựa chọn. Nhiều bệnh nhân ở giai đoạn 2,3 nôn nóng muốn sử dụng thuốc đích hoặc liệu pháp miễn dịch ngay nhưng theo Ths.BS Lê Anh Tuấn, ở giai đoạn sớm không có chỉ định dùng các phương pháp này vì theo nhiều nghiên cứu, ở giai đoạn sớm khi điều trị thuốc đích kết hợp với hóa chất thấy không có hiệu quả hơn nhóm hóa chất đơn thuần, mà chi phí điều trị lại cao.
Khánh Thủy