Nguy cơ vùi lấp suối Nước Lô vì Công ty Thành Đạt đổ đất thải

Nhà thầu thi công Trung tâm hành chính xã Ba Giang - Công ty TNHH xây dựng Thành Đạt đã san bạt núi tạo mặt bằng, đổ đất thải ở nhiều khu vực lân cận, gây nguy cơ sạt lở và vùi lấp suối Nước Lô.

Xã Ba Giang (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) là khu vực bị đe dọa bởi sạt lở núi. Vào mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở tại đây diễn biến cực kỳ nguy hiểm. Trụ sở UBND xã, trường học và nhiều nhà dân nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm.

Tiện đâu đổ đó?!

Theo Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 10/05/2021 của UBND huyện Ba Tơ do ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ ký nêu rõ, quyết định đầu tư 130 tỷ đồng xây dựng Trung tâm hành chính mới của xã Ba Giang.

Dự án được UBND huyện Ba Tơ phê duyệt trong năm 2021 và giao cho Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư, chia làm 02 giai đoạn.

Giai đoạn 1 có mức đầu tư khoảng 77 tỷ đồng, được chỉ định thầu theo diện khẩn cấp cho Công ty TNHH xây dựng Thành Đạt thực hiện. Giai đoạn 2 có giá trị xây lắp gần 50 tỷ đồng, cũng Công ty này trúng thầu.

Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công phải san gạt núi để lấy mặt bằng. Việc này làm phát sinh một lượng đất thải khổng lồ. Theo quy định, đất thải phải được chở đến nơi tập kết đã được phê duyệt từ trước.

Toàn cảnh công trường Dự án di dời Trung tâm hành chính xã Ba Giang (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).

Toàn cảnh công trường Dự án di dời Trung tâm hành chính xã Ba Giang (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Khoa học và Đời sống, đơn vị thi công dự án lại thực hiện theo kiểu… tiện đâu đổ đó?.

Theo phản ánh của người dân xã Ba Giang, Công ty Thành Đạt thi công chọn những nhà dân có vườn rộng để liên hệ xin đổ đất thải. Chỉ cách vị trí dự án chưa đầy 500m nhưng có đến 3 bãi đất thải. Hầu hết các hộ dân này có vườn giáp cận suối Nước Lô.

Khối lượng đất thải khổng lồ lấn dần ra phía dòng suối Nước Lô

Ghi nhận vào ngày 01/4 tại hiện trường cho thấy, hoạt động san lấp tại bãi đất này vẫn diễn ra. Một khối lượng đất thải khổng lồ lấn dần ra phía dòng suối Nước Lô.

Hộ ông Phạm Văn Tân cùng một vài hộ dân khác nằm ngay bên cạnh đường dẫn qua cầu treo Nước Lô. Chỉ tay sang phía vườn hàng xóm, ông Tân nói: “Bên kia là đất của Phạm Văn Phát, bên này là của mình. Công ty họ ra nói cho họ đổ để mình nâng vườn lên, không có lấy tiền, còn hỗ trợ cho mình 6 triệu để làm lại cái nhà này.”

Đi một vòng quanh khu vực, phóng viên ghi nhận một khối lượng đất đắp khổng lồ ước chừng lên đến hàng ngàn khối được đổ, lu lèn với chiều cao tính từ bờ suối lên đến cả chục mét. Phía giáp với đường ra cầu Nước Lô thì đất tràn lèn lên tấm lưới B40 được rào trước đó, như chực chờ bung, đổ ra ngoài.

Ở phía bờ suối, hàng cau vốn dĩ trước đây ông Tân trồng ở bờ đất thì nay đã bị vùi gốc hơn 1 mét, thân cây đổ ra hướng suối theo đất. Có thể thấy từ hàng cau này ra đến mép đất giáp bờ suối là thêm vài mét nữa.

Nhà ông Tân trước đây ra vào theo lối dẫn ra cầu treo, hiện giờ vì đất đổ mới san lấp đã cao hơn mặt đường đến hàng mét nên không thể đi theo lối đó. Trong khi phía trước, lối ra đường chính ông Tân đã cho con làm nhà.

“Người đồng bào tối kỵ việc đi chui dưới nhà sàn, sắp tới mình hỏi xã xin ngỏ ra trên cái đất hồi xưa lấy của mình làm Nhà học tập cộng đồng xem có xin được không”, ông Tân nói thêm.

Dù đã được lu lèn, nhưng không điều gì có thể đảm bảo rằng số đất được đắp mới này sẽ không bị cuốn sạt ra suối khi có mưa lớn.

Núi đất đổ thải khổng lồ lấn dòng chảy, nguy cơ sạt lở gây vùi lấp suối Nước Lô.

Núi đất đổ thải khổng lồ lấn dòng chảy, nguy cơ sạt lở gây vùi lấp suối Nước Lô.

Anh Phạm Văn Hồng, một hộ khác cũng có vườn sát bên suối được nhà thầu thi công đem đất này ra đổ. Anh Hồng cho biết: “Đất vườn nhà mình đổ nâng lên từ năm ngoái, từ chỗ công trình kia kìa, chỗ công ty của bà X. gì làm đó! Ở gần nên họ đổ cỡ 1 tháng thì được mặt bằng như vầy, mà đợt mưa vừa rồi bị sạt, kéo đất ra suối, nên giờ mình phải cắm thêm cây gỗ để giữ”.

Khi được hỏi quy trình cấp phép như thế nào, anh Hồng cho biết: “Mình làm giấy xin xã để tự làm, công ty họ đổ đất. Ban đầu xã không cho, nhưng sau thì họ cũng thống nhất”.

Mùa mưa, suối Nước Lô thường xuyên xuất hiện lũ lớn. Một khối lượng đất thải lớn lại lấn dòng suối nên nguy cơ sạt lở chắn dòng suối luôn hiện hữu, cầu treo Nước Lô cũng nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đe dọa.

Một khu vườn được nhà thầu đổ thải trước đó đã bị sạt lở, cuốn đi lượng lớn đất đắp.

Một khu vườn được nhà thầu đổ thải trước đó đã bị sạt lở, cuốn đi lượng lớn đất đắp.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ: “Đã giao cho phòng chức năng lập hồ sơ xử phạt nhà thầu”

Trao đổi về vấn đề nói trên, ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho rằng, có nhiều vị trí được phê duyệt làm bãi thải trong quá trình thi công dự án. Đến thời điểm này, có 06 địa điểm được phê duyệt và đã thực hiện các thủ tục để nhà thầu đổ thải.

Núi đất đổ thải chực chờ đổ ập xuống đường dẫn cầu treo suối Nước Lô.

Núi đất đổ thải chực chờ đổ ập xuống đường dẫn cầu treo suối Nước Lô.

Đối với điểm đổ thải sát cầu treo suối Nước Lô mà phóng viên phản ánh, qua kiểm tra cơ quan chức năng huyện xác định nhà thầu Công ty Thành Đạt đã đổ thừa một lượng đất thải lớn so với quy định. Do vậy, huyện ghi nhận phản ánh của phóng viên về việc lấn dòng, gây nguy cơ sạt lở, vùi lấp dòng chảy là chính xác.

“Việc xác định khối lượng thừa cụ thể là bao nhiêu đang được đo đếm. Trách nhiệm chính trước hết thuộc về nhà thầu và Ban quản lý dự án. Huyện đã giao cho phòng chức năng lập hồ sơ xử phạt nhà thầu, buộc di dời khối lượng thừa ra khỏi vị trí này. Huyện cũng sẽ xử lý trách nhiệm của Ban quản lý dự án vì thiếu theo dõi, nhắc nhở để nhà thầu thi công xảy ra vi phạm”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ thông tin thêm.

*Khoa học và Đời sống sẽ cập nhật diễn biến tiếp theo.

Theo Đời sống
Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Quên khám nghĩa vụ quân sự có bị xử phạt?

Cá nhân có các hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì sẽ chịu các mức xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6/6/2022 của Chính phủ.
back to top