Nguy cơ rình rập!
Để tiện quản lý con, anh Nguyễn Thanh Tùng (Hai Bà Trưng,Hà Nội) đã mua cho con chiếc đồng hồ thông minh (smartwatch) đeo hằng ngày. Anh Tùng chia sẻ, từ khi cho con đeo chiếc đồng hồ thông minh thì dù là đi học, đi chơi, thậm chí ở nhà anh đều có thể liên lạc hay theo dõi, định vị được vị trí con đang ở.
Do đó, anh rất thích thú về sản phẩm công nghệ này, dù đó chỉ là chiếc đồng hồ do Trung Quốc sản xuất, giá cũng chỉ khoảng hơn 300.000đ. Anh vừa biết sản phẩm có thể bị xâm nhập không chính thống (hack) dẫn đến nguy hại khôn lường.
Đồng hồ thông minh cho trẻ em: Tiện nhưng cẩn thận… nguy cơ rình rập.
Theo ghi nhận của KH&ĐS, iện sản phẩm này được bán khá nhiều trên thị trường với nhiều mức giá và hãng sản xuất. Thậm chí, chỉ vài ba trăm ngàn đồng là các bậc bố mẹ đã sở hữu chiếc đồng hồ với nhiều ứng dụng khi cho sim 3G vào.
Ví dụ như định vị được vị trí trẻ đang ở, nghe lời nhắn thoại, theo dõi sức khoẻ với đếm số bước đi, thời gian ngủ, khối lượng vận động, hành trình; hay có thể xem lịch sử đường đi; thiết lập khu vực an toàn, cảnh báo khi trẻ qua bán kính được thiết lập để giữ trẻ an toàn, cảnh báo pin yếu hay cần trợ giúp…
Tuy nhiên, ở một số nước như Anh, Đức mới đây đã đưa ra lời cảnh báo tới các bậc cha mẹ không nên mua đồng hồ thông minh cho con mình vì rất nguy hiểm. Nhiều loại đồng hồ thông minh được thiết kế cho độ tuổi từ 5 – 12, có thể tạo điều kiện cho người khác can thiệp từ xa vào microphone để nghe lén hoặc theo dõi vị trí. Các cơ quan giám sát lo ngại sản phẩm này bị lợi dụng không chỉ để theo dõi trẻ mà còn để rình mò bất cứ ai.
Hay như sản phẩm này còn có thể được xem là “ác mộng bảo mật”. Các chuyên gia đã phân tích một số đồng hồ thông minh dành cho trẻ nhỏ và nhận thấy thiết bị dễ bị hacker kiểm soát từ xa. Sau khi thâm nhập, kẻ tấn công có thể truy cập mọi thông tin trên đồng hồ theo thời gian thực, ví dụ như biết trẻ đang ở đâu, thông tin cá nhân và thậm chí có thể giao tiếp với trẻ.
“Để giúp giám sát trẻ, các bậc bố mẹ nên kết hợp giữa công nghệ và con người. Tức là bên cạnh với việc dùng thiết bị giám sát thì nên nhờ cô giáo, ông bà, người thân kiểm tra cùng. Còn nói rằng đồng hồ thông minh gây mất an toàn thì rất oan ức cho thiết bị công nghệ” – PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang.
Công nghệ có tính hai mặt
PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang, Khoa Điện tử – Viễn thông, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, sản phẩm công nghệ nói chung và đồng hồ thông minh đều có tính hai mặt.
Mặt lợi của đồng hồ này là giúp các cha mẹ giám sát, theo dõi con, biết vị trí con đang ở khu vực nào, có ra khỏi trường hay không… Hoặc khi trẻ đeo đồng hồ sẽ giúp bó mẹ liên lạc dễ hơn việc sử dụng điện thoại. Nhất là đồng hồ có nhiều tính năng sẽ mang lại cho trẻ cũng như bố mẹ nhiều ứng dụng hữu ích trong việc quản lý con.
Tuy nhiên, mặt khác của thiết bị công nghệ là có thể nghịch các thiết bị này để thay đổi sự giám sát hoặc dùng để chơi game cũng như bị xâm nhập không chính thống để theo dõi trẻ, sau đó có thể có những hành động không tốt.
“Việc các con nhà giàu hoặc trẻ có vấn đề thì sử dụng các thiết bị này có thể gây nên những bất lợi như bị theo dõi về vị trí, biết được lịch trình đi lại, hoặc nghe lén… Đấy là điều có thể xảy ra”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang cũng cho hay, tình trạng tội phạm công nghệ cũng như việc bắt cóc trẻ luôn được giám sát khá chặt chẽ ở nước ta nên các bậc bố mẹ cũng không nên quá lo lắng. Thay vào đó, các gia đình nên đề cao cảnh giác với các thiết bị dạng này như kiểm tra xem có bất thường gì không, xác định xem có đúng vị trí chuẩn… sẽ giúp trẻ được an toàn.
Hiền Dung