Nguy cơ nhiễm CMV từ mẹ sang thai nhi

(khoahocdoisong.vn) - CMV gây ra nhiều bệnh lý cho thai như di chứng hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là mất thính giác.  

Hỏi: Xin KH&ĐS cho biết, nhiễm CMV trong thai kỳ lây nhiễm như thế nào tới thai nhi? Thai nhi bị nhiễm gây mất thính giác ra sao?

Nguyễn Thanh Phương (Hà Nội)

ThS.BS Nguyễn Hương Trà, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: CMV (cytomegalovirus) là loại siêu vi gây bệnh cho người ở các lứa tuổi khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai, người lớn, người nhiễm HIV và cả người được ghép tạng. Siêu vi này được tìm thấy trong máu, nước bọt, phân, nước tiểu và cả trong dịch tiết sinh dục. Một khi CMV xâm nhập vào người có thể tồn tại lâu dài, thậm chí suốt đời trong cơ thể người bị nhiễm.

Mẹ nhiễm trùng tiên phát thường không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ như sốt, thờ ơ và khó chịu. Do phần lớn nhiễm CMV không biểu hiện triệu chứng nào nên mẹ có thể vô ý truyền CMV cho thai nhi. Em bé có nguy cơ nhiễm CMV bẩm sinh.

Nhiễm CMV bẩm sinh là một bệnh nhiễm trùng bẩm sinh phổ biến: Tỷ lệ 0,5 - 2%, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây điếc ở trẻ nhỏ. CMV bẩm sinh chủ yếu liên quan nhiễm trùng tiên phát ở mẹ, nguy cơ lây truyền như sau: Quý 1 và quý 2 thai kỳ: tỷ lệ 40%. Tổn thương thai nhi xảy ra khoảng 10% những trường hợp này; Quý 3 thai kỳ: tỷ lệ khoảng 80%, tuy nhiên thường không có triệu chứng sau 27 tuần. Nhiễm trùng tái phát (kích hoạt lại nhiễm trùng hoặc tái nhiễm với một chủng khác), tỷ lệ lây truyền khoảng 1 - 2,2%

Vì vậy, phụ nữ có thai bị nhiễm CMV phải được theo dõi di chứng nhiễm trùng thai nhi bằng cách: Khám thai định kỳ tại cơ sở y tế uy tín chuyên về sản khoa để được phát hiện bệnh và có kế hoạch quản lý thai kỳ là cách tốt nhất bảo vệ sức khoẻ cả mẹ và bé.

Theo KH&ĐS
back to top