Nguồn gốc của ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
Nguồn gốc ngày Quốc tế thiếu nhi bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử buồn của thế giới vào giai đoạn thế chiến thứ 2.
Rạng sáng 1/6/1942, quân đội phát xít Đức bao vây làng Lidice, Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Czech) bắt 173 người đàn ông, 196 phụ nữ và trẻ em.
Ảnh minh họa |
Sau khi tàn sát dã man 66 người, chúng đưa 104 thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em nhỏ đã chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi phục vụ bọn phát xít.
2 năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Oradour của Pháp và dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy.
Sau khi phát xít Đức bị đánh bại, Nhà nước Tiệp Khắc đã cho xây dựng lại làng Lidice và đài tưởng niệm ở đây.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi Chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.
Ý nghĩa ngày Quốc tế Thiếu nhi
Như đã đề cập trong quá trình hình thành, ngày Quốc tế Thiếu nhi ra đời với ý nghĩa bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của trẻ em trên toàn thế giới, Chính phủ các nước phải có trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.
Đồng thời, Ngày Quốc tế Thiếu nhi cũng mang ý nghĩa biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.
Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng.