Người từ bỏ thành Paris và mức lương 22 lạng vàng mỗi tháng... - Kỳ cuối: Trần Đại Nghĩa - “Ông Phật làm súng”

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 3/3/1947 đã trở thành mốc son của ngành quân giới Việt Nam khi đạn Bazoka do ông chế tạo đã góp phần bẻ gãy mũi tiến công của địch ở vùng Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội), khởi đầu cho các trận đánh lớn sau này giữa Việt Minh với quân Pháp.

Vũ khí tự tạo khiến quân Pháp hoảng sợ

Ông Hoàng Đình Phu, Phó Giám đốc Nha nghiên cứu kỹ thuật (NCKT) trực thuộc Cục Quân giới hồi đó kể lại, ông và Giáo sư Trần Đại Nghĩa luôn bám sát nơi thí nghiệm súng Bazoka tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội) nhằm kịp thời điều chỉnh mọi sai sót. Tháng Giêng và tháng 2/1947, họ đã tiến hành bắn thử hàng chục lần và máu của các chiến sĩ quân giới đã đổ để những viên đạn nặng 1,6kg ấy ngày một hoàn thiện hơn. Rốt cuộc loại Bazoka tự tạo đã có dịp xuất trận: Ngày 3/3/1947, quân Pháp từ Hà Nội dùng xe tăng nống ra hướng Hà Đông. Khi chúng hùng hổ vào đến khu vực chùa Trầm, những ánh chớp Bazoka lóe lên, hai chiến xa bốc cháy, số còn lại hốt hoảng tháo lui. Quân Pháp hoàn toàn không ngờ Việt Minh lại có thứ hỏa lực đáng sợ như vậy và lại càng không thể ngờ đó là vũ khí tự tạo.

Sau một số cải tiến khác, đến giữa năm 1948, tính năng của loại “Bazoka made in Vietnam” không thua kém bao nhiêu so với của nước ngoài chế tạo. Bazoka được sản xuất hàng loạt, trang bị cho bộ đội ở khắp các mặt trận Bắc, Trung, Nam. Tin vui từ khắp các nẻo chiến trường báo về, Bazoka dễ dàng thiêu cháy xe tăng, nhấn chìm tàu thuyền địch đi lại trên sông, đánh sập các lô cốt và tiêu diệt bộ binh địch co cụm khiến chúng khiếp vía, không dám nghênh ngang như trước nữa. Nhằm đối phó với Bazoka, quân Pháp rút kinh nghiệm trong việc lập đồn bốt, xây dựng những boong ke kiên cố dày từ 60cm tới cả mét khiến Bazoka mất tác dụng. Trước những đòi hỏi của chiến trường, ngành quân giới Việt Nam non trẻ do Giáo sư Trần Đại Nghĩa lãnh đạo lại trăn trở đi tìm một loại vũ khí mới hiệu quả hơn nhưng vẫn phải đảm bảo được yêu cầu gọn nhẹ, dễ sử dụng. Xuất phát từ ý tưởng ban đầu của đồng chí Nguyễn Trinh Tiếp (sau này hy sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ), Nha NCKT đã quyết định chọn phương án nghiên cứu chế tạo súng không giật. Đây là một công việc tưởng chừng không thể thực hiện nổi vì súng không giật là loại vũ khí hết sức tân tiến chỉ mới được quân đội Mỹ đem dùng lần đầu trong cuộc đổ bộ lên đảo Okinawa năm 1944.

Trong khi đó, ngành quân giới Việt Nam trong điều kiện kháng chiến máy móc hết sức thô sơ, cũ kỹ, nguyên liệu sản xuất thiếu thốn; đồng bào cả nước hết lòng với kháng chiến phải góp nhặt ủng hộ từng cân đồng, ống gang, thanh đường ray và nguyên liệu nổ không chỉ là mồ hôi công sức mà thậm chí phải đổi bằng máu. Lại nữa, tất cả số tài liệu quý giá liên quan đến kỹ thuật chế tạo vũ khí mà Giáo sư Trần Đại Nghĩa cất công đem từ Pháp về không may đã gần như mất hết trong những lần chạy càn. Trong tay những chuyên gia và cán bộ quân giới không có bất cứ bản vẽ hoặc tài liệu hướng dẫn nào về súng không giật, một mẫu súng thật để tham khảo cũng không nốt. Họ chỉ có thể trông cậy vào chính mình.

Như bao lần trước, hoàn cảnh khó khăn chỉ làm cho một con người như Trần Đại Nghĩa càng thêm quyết tâm hơn. Ông kể: “Hình ảnh hy sinh của anh em bộ đội ngoài chiến trường, của anh Ngô Gia Khảm và các đồng chí khác càng thúc giục tôi quyết tâm đem hết sức mình cải tiến các bản vẽ, tính toán các số liệu, tiến hành nghiên cứu thiết kế các loại vũ khí thích hợp ở chiến trường trong từng giai đoạn... Ngày đêm, tôi miệt mài trong công tác, mải mê với con tính, với bản vẽ, nhiều khi quên cả một số sinh hoạt cần thiết như ăn, ngủ, tắm, cắt tóc...”. Được ông cho thông số tính toán và trực tiếp chỉ đạo công tác chế tạo, sau nhiều lần thử nghiệm và hiệu chỉnh, cuối cùng loại súng không giật (SKZ) “made in Vietnam” khá đặc biệt với bệ súng và chuôi đạn bằng gỗ đã ra đời và nhanh chóng trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược. Lucien Bodard trong cuốn “Chiến tranh Đông Dương” đã thú nhận: “Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ 8kg mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Chi Nê... Họ đã đưa các khẩu SKZ lên và trong bốn giờ liền, họ đã giáng trả những cú sấm sét xuống khu nhà ngủ. Xung quanh chúng tôi đều sụp đổ”. Còn với chiến sĩ ta trên khắp các mặt trận, những người trực tiếp sử dụng và chứng kiến uy lực ghê gớm của SKZ trong chiến đấu thì hết lời ca ngợi “ống thổi lửa của ông Trần Đại Nghĩa”. Vừa chỉ đạo ngành quân giới tiếp tục sản xuất các loại vũ khí thông thường như lựu đạn, bom mìn cung cấp cho chiến trường, bộ óc sáng tạo của GS Trần Đại Nghĩa không ngừng nảy nở những ý tưởng về các loại vũ khí mới.

Trong đại chiến thế giới thứ hai, phát xít Đức đã chế tạo một loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp là bom bay V1 và V2, nhưng không một chuyên gia quân sự nước ngoài nào có thể hình dung chỉ ít lâu, GS Trần Đại Nghĩa đã cho ra đời loại đạn bay nặng 80kg, tầm phóng 4km dựa trên tính năng tương tự như bom bay mà trong tay không hề có tài liệu tham khảo, đặc biệt là trong điều kiện kỹ thuật máy móc vô cùng thiếu thốn, lạc hậu.

“Nhà khoa học - kỹ thuật số 1 của Việt Nam

Năm 1982, một đoàn làm phim truyền hình của Pháp, Anh, Mỹ sang Việt Nam để quay bộ phim “lịch sử 30 năm chiến tranh ở Việt Nam” cứ nằng nặc đòi gặp GS Trần Đại Nghĩa, người bằng những sáng tạo của mình, đã gây hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho giới quân sự các nước phương Tây.

Được Đảng và Nhà nước tin cậy giao phó, Giáo sư Trần Đại Nghĩa lần lượt gánh vác nhiều cương vị quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam... Ông là một trong những người được phong quân hàm cấp tướng đợt đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1948. Năm 1952, ông được bầu là Anh hùng Lao động tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tới năm 1967, ông vinh dự được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trao danh hiệu Viện sĩ hàn lâm. Ghi nhận những công lao của ông, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng Giáo sư Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng như một người bạn của ông nhận xét: “Là một vị tướng, người anh hùng, ông thứ trưởng, viện sĩ hàn lâm, nhưng hình ảnh của GS Trần Đại Nghĩa đọng lắng sâu đậm nhất trong tâm trí mọi người chính là hình ảnh về một con người nhân hậu, khiêm tốn, bình dị”.

Những năm cuối đời, GS Trần Đại Nghĩa trở về quê hương miền Nam sinh sống cùng người vợ hiền là bà Nguyễn Thị Khánh, một nữ y tá xinh đẹp gốc Hà Nội mà ông đã gặp, yêu và nên vợ nên chồng trong những ngày gian khó tại chiến khu Việt Bắc. Trái tim lớn của giáo sư đã ngừng đập vào ngày 9/8/1987, để lại vô vàn thương tiếc. Với những cống hiến hết sức to lớn cho đất nước, với một nhân cách lớn và lý tưởng sống cao đẹp, GS Trần Đại Nghĩa đã để lại sau lưng mình cả một huyền thoại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng gọi ông là “ông Phật làm súng”, còn GS Trần Văn Giàu nhận định: “Nhà khoa học - kỹ thuật số 1 của Việt Nam đã lập nhiều chiến công mà lịch sử dân tộc không bao giờ quên”. Còn tôi, người viết bài này vốn thuộc lớp hậu sinh của ông, tự cảm thấy không đủ tư cách để nhìn nhận về một nhà tri thức lỗi lạc như ông. Nhưng chỉ riêng việc ông đã quyết từ bỏ tất cả, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc trong năm 1946 ngặt nghèo cũng đã khiến tôi vô cùng khâm phục, bởi lẽ bất kỳ một sự dấn thân nào cũng chỉ có thể ở những con người dũng cảm. Đất nước, dân tộc có nhiều người như ông thì thật may mắn lắm!

Theo KH&ĐS
back to top