Ngó lơ mỡ nội tạng coi chừng… mất mạng

Mỡ nội tạng là loại mỡ không sờ và cảm nhận thấy nhưng lại gây ra các bệnh lý đe dọa tính mạng người bệnh: ung thư, tim mạch...

“Nhiều người mới chỉ chú ý tới mỡ dưới da khi sờ thấy hoặc các chỉ số mỡ máu mà chưa chú ý đến mỡ nội tạng, trong khi đây mới là loại mỡ nguy hiểm. Loại mỡ này tiết ra các cytokines, gây viêm, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư…”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 khuyến cáo.

18 tuổi mỡ đã phủ trắng gan

Các chuyên gia cho biết, hiện nay mọi người mới chỉ quan tâm tới tình trạng béo (mỡ dưới da) mà chưa quan tâm tới mỡ nội tạng. Thống kê của Hội gan mật Việt Nam cho thấy, chỉ riêng gan nhiễm mỡ đã có khoảng 50-60% dân số Việt Nam trưởng thành bị bệnh.

Điển hình là bệnh nhân 18 tuổi (Hà Nội), bị béo phì đi điều trị. Kết quả nội soi cho cho thấy, gan nhiễm mỡ ở mức độ trầm trọng. Toàn bộ gan của bệnh nhân được phủ trắng các hạt mỡ.

Mỡ nội tạng phủ trắng gan

Mỡ nội tạng phủ trắng gan

Một trường hợp bệnh nhân nam 42 tuổi (Hà Nội), người gầy, mệt mỏi, chán ăn, hay đau bụng đi khám cũng phát hiện mỡ ruột và gan nhiễm mỡ độ 3- 4.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, trên đây là những trường hợp điển hình của gan nhiễm mỡ không do rượu. Gan nhiễm mỡ không do rượu thường gặp ở các đối tượng béo phì, tiểu đường type 2, rối loạn mỡ máu hoặc mắc hội chứng chuyển hóa… vì vậy, nhiều người gầy cũng bị bệnh nặng.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, mỡ chiếm một tỷ lệ khá linh hoạt trong trọng lượng cơ thể của mỗi người, tùy thuộc vào giới tính, cấu trúc cơ thể, và trạng thái sức khỏe. Tuy nhiên, ước lượng thông thường mỡ cơ thể chiếm khoảng 15-30% trọng lượng cơ thể ở phụ nữ và khoảng 10-25% ở nam giới. Mỡ trong cơ thể có thể được phân bổ trong nhiều khu vực khác nhau. Hai vị trí chính là:

Mỡ dưới da: Là loại mỡ tích tụ, nằm phía dưới lớp da, góp phần vào cấu trúc và hình dáng của cơ thể. Mỡ dưới da chủ yếu ở khu vực bụng, mông, đùi, và các khu vực khác trên cơ thể. Lớp mỡ này có thể nhìn thấy và cảm nhận dễ dàng hơn.

Mỡ nội tạng: Là loại mỡ tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng như tim, gan, phổi và ruột non. Mỡ nội tạng không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận trực tiếp từ bên ngoài.

Có thể thẩm định bằng cách sử dụng phương pháp hình ảnh y tế như chụp CT scan hoặc MRI. Đây là một loại mỡ không mong muốn và có thể gây hại cho sức khỏe nếu tích tụ quá nhiều.

Mỡ tích tụ trong mạc nối lớn của bệnh nhân nữ 30 tuổi

Mỡ tích tụ trong mạc nối lớn của bệnh nhân nữ 30 tuổi

Phương pháp ước lượng khối lượng mỡ nội tạng phổ biến là đo chỉ số mỡ bụng, như tỷ lệ eo-hông. Những chỉ số này được tính toán dựa trên đo lường vòng eo, vòng hông và cho thấy mức độ tích tụ mỡ xung quanh bụng.

Ở phụ nữ vòng eo từ 80cm trở lên và nam giới từ 90 hoặc lớn hơn có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe do mỡ nội tạng.

Hiện nay hệ thống máy Inbody, dựa trên sự thay đổi trở kháng mô, cũng có thể giúp xác định tỷ lệ phần trăm mỡ nội tạng và khối lượng mỡ dư thừa trên cơ thể bạn một cách tương đối chính xác. Mỡ nội tạng thường được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 59 khi được chẩn đoán bằng máy phân tích chất béo cơ thể hoặc quét MRI. Mức độ bình thường của chất béo nội tạng ở dưới 13. Nếu xếp hạng của bạn là 13–59, bạn nên thay đổi lối sống ngay lập tức.

Cẩn thận khi cholesterol và triglycerid tăng cao

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, mỡ nội tạng chiếm tỷ lệ phần trăm nhất định trong tổng lượng mỡ cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người và tình trạng sức khỏe. Trong một số trường hợp, mỡ nội tạng có thể chiếm đến 10-20% tổng lượng mỡ cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn và kíp mổ nội soi

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn và kíp mổ nội soi

Mỡ nội tạng khó giảm bằng cách tập luyện hoặc ăn kiêng và thường gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cụ thể:

Bệnh tim mạch: Mỡ nội tạng có thể gây ra viêm nhiễm và xơ vữa trong mạch máu, ảnh hưởng đến lưu thông máu và gây ra các vấn đề tim mạch như bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh lý van tim, và nhồi máu cơ tim.

Tiểu đường typ 2: Mỡ nội tạng được cho là liên quan mật thiết đến khả năng cơ thể sử dụng insulin và quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể. Tích tụ mỡ nội tạng có thể tăng nguy cơ mắc tiểu đường typ 2.

Bệnh gan mỡ không cồn: Mỡ nội tạng tích tụ trong gan, gây ra bệnh gan mỡ không cồn. Nếu không được điều trị, bệnh gan mỡ không cồn có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan và các vấn đề gan nghiêm trọng khác.

Bệnh thận: Tích tụ mỡ nội tạng có thể liên quan đến bệnh thận mạn tính, do ảnh hưởng đến chức năng thận và quá trình lọc chất thải.

Huyết áp cao: Mỡ nội tạng nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đặc biệt là huyết áp tâm thu (huyết áp cao).

Bệnh mỡ máu cao: Mỡ nội tạng cũng làm tăng mức cholesterol và triglyceride trong máu, góp phần vào bệnh mỡ máu cao (dyslipidemia), một yếu tố nguy cơ cho các vấn đề tim mạch.

Các bệnh ung thư: Mỡ nội tạng còn liên quan đến nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư ruột non, ung thư vú, ung thư tử cung, và ung thư tuyến tiền liệt…

ThS.BS Nguyễn Hoàng Hiệp, Bệnh viện 103 cảnh báo, người có mỡ máu cao cần chú ý, cholesterol xấu càng cao càng tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, từ đó hạn chế lưu thông máu, thậm chí tạo điều kiện cho việc hình thành cục máu đông hoặc các mảng xơ vữa bong ra gây tắc mạch, nhất là tắc mạch vành (nhồi máu cơ tim) hoặc tắc mạch não (nhũn não) gây đột quỵ.

Với loại triglycerid, khi có sự mất cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan, mỡ sẽ tích lại trong gan, tức là triglycerid tăng sẽ gây nên gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein, do đó lượng axít béo vào gan quá lớn càng làm gan nhiễm mỡ nặng hơn.

Gan nhiễm mỡ từ nhẹ dẫn đến nặng và cuối cùng là xơ gan. Bệnh xơ gan đến nay chưa có thuốc đặc hiệu chữa trị. Ngoài ra, nếu tăng quá cao triglycerid máu còn có nguy cơ gây viêm tụy cấp tính.

Để giảm mỡ nội tạng, cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng, thực hiện giảm cân tổng thể nếu béo phì, giảm căng thẳng; ngủ đủ và hạn chế đồ uống có cồn…

Theo Đời sống
Thông tàu hỏa chạy qua cầu Đuống, cầu Long Biên

Thông tàu hỏa chạy qua cầu Đuống, cầu Long Biên

Ngay sau khi mực nước sông Hồng và sông Đuống giảm, VNR đã thử tải và kiểm tra tàu chạy qua các cây cầu này, để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, sau đó mới quyết định mở hoạt động trở lại.
back to top