Tiếp bài phản ánh "Nghi vấn Mai Linh WILLER dùng xe trung chuyển không phép, thu vé cao hơn giá quy định" đăng trên Khoa học và Đời sống số trước, PV tiếp tục ghi nhận hoạt động của hãng xe và phát hiện thêm dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước.
Xe bỏ lốt, vẫn vào bến hoạt động?
Chiếc xe 7 chỗ được gọi là xe trung chuyển đón PV đến văn phòng của Mai Linh WILLER tại số 298 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa để tập kết di chuyển đi Hà Nội |
Thay vì giữ lốt (giờ) hoạt động trong bến xe, Công ty TNHH Mai Linh WILLER (công ty liên doanh giữa Tập đoàn Mai Linh và Tập đoàn WILLER) đã ngừng hoạt động một số xe. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều xe không có lốt vẫn ra vào bến xe Nước Ngầm, bến xe phía Tây Thanh Hóa.
Sáng 4/8, PV liên hệ số tổng đài Mai Linh WILLER theo số điện thoại 03640777xx để đặt vé tuyến Thanh Hóa – Hà Nội, được phản hồi xác nhận bằng tin nhắn SMS nội dung thông báo mã đặt vé, giờ khởi thành và đề nghị thanh toán tiền vé khi lên xe hoặc có thể chuyển khoản.
Đúng lịch hẹn, chiếc xe 7 chỗ BKS 51F – 203.84 được hãng gọi là xe trung chuyển (xe taxi cũ của Tập đoàn Mai Linh) đã tháo mào, không phù hiệu, bên trong vẫn còn đồng hồ km và máy in phiếu hóa đơn đến đón khách. Thay vì đưa khách về bến xe phía Tây Thanh Hóa để sử dụng xe tuyến cố định, tài xế lại nhanh chóng đưa về trụ sở văn phòng của Mai Linh WILLER tại số 298 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa để tập kết.
Hai chiếc xe BKS 36F – 001.40 (phù hiệu tuyến cố định) và xe BKS 36F – 001.10 (phù hiệu xe hợp đồng) của Mai Linh WILLER cùng nằm trong bến xe Nước Ngầm để đón khách |
Tại đây, văn phòng của Mai Linh WILLER với đầy đủ hệ thống phòng làm việc, sân bãi đỗ xe, vị trí bán vé và nơi ngồi chờ của khách. Trước khi lên xe đi Hà Nội, khách phải trả tiền trực tiếp cho nhân viên của hãng với giá theo từng ghế ngồi từ 230 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng.
Lúc này, PV và các hành khách được hướng dẫn lên chiếc Limousine 9 chỗ BKS 36F - 001.27 gắn phù hiệu “Xe hợp đồng”. Đúng 8h, xe lăn bánh, chạy theo đường Trần Hưng Đạo, rẽ trái lên cầu Hoàng Long rồi theo Quốc lộ 1A. Khi đến địa phận huyện Hà Trung, chiếc xe chạy vào đường tỉnh 522 để nhập vào cao tốc Mai Sơn - Cầu Giẽ - Pháp Vân.
Sau hơn 2 tiếng di chuyển, chiếc xe đến địa phận quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đúng 10h20, xe tiến vào cổng bến xe Nước Ngầm trả khách. Lúc này, ngay trong khu vực đỗ của các xe tuyến cố định, những chiếc 7 chỗ màu xanh được gọi là xe trung chuyển của Mai Linh WILLER lần lượt mang BKS 51F - 356.22, 51F - 356.48, 51F - 204.39 đón chở khách về các điểm đã được đặt trước đó.
Theo phương án khai thác trên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội và ngược lại của Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty Mai Linh WILLER ngày 8/11/2022, chiếc Limousine 36F - 001.27 đã ngừng khai thác tại hai đầu bến (bến xe Nước Ngầm - bến xe phía Tây Thanh Hóa).
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, chiếc xe này cũng đã trả lại phù hiệu tuyến cố định cho Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, đồng thời được ông Vũ Minh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải duyệt cấp phù hiệu xe hợp đồng có thời hạn hết ngày 14/11/2023.
Lãnh đạo Bến xe Nước Ngầm nói gì?
Ngay sau khi ghi nhận hoạt động sử dụng xe phù hiệu hợp đồng vận chuyển hành khách như tuyến cố định Thanh Hóa - Hà Nội của Mai Linh WILLER, thậm chí vô tư ra vào bến để đón trả khách, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước Ngầm - để phản ánh và được hứa sẽ có thông tin chi tiết. Trong khi đại diện bến xe Nước Ngầm kiểm tra dữ liệu, PV tiếp tục ghi nhận một chiếc xe Limousine 9 chỗ gắn phù hiệu “Xe hợp đồng” khác của Mai Linh WILLER hoạt động trong bến Nước Ngầm.
Theo đó, khoảng 16h35 ngày 4/8, chiếc xe BKS 36F - 001.40 (phù hiệu tuyến cố định) và xe BKS 36F – 001.10 (phù hiệu xe hợp đồng) của Mai Linh WILLER đều đỗ lần lượt tại các ô 26 và 27 của bến xe Nước Ngầm và đón xếp khách lên xe. 16h42, hai xe này xuất bến, chạy về phía cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Khách lẻ được xếp lên chiếc xe BKS 36F – 001.27 |
Được biết, xe BKS 36F - 001.10 cũng là phương tiện ngừng khai thác tại hai đầu bến (bến xe Nước Ngầm - bến xe phía Tây Thanh Hóa) cùng thời điểm với xe 36F – 001.27 và cũng đã được cấp phù hiệu hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận hai chiếc xe này vẫn hoạt động vận tải hành khách có dấu hiệu chạy như tuyến cố định Thanh Hóa - Hà Nội và ngược lại; thậm chí còn ra vào bến xe Nước Ngầm đón trả khách không khác xe tuyến cố định (!?).
Thông tin về phản ánh trên, đại diện bến xe Nước Ngầm xác nhận, Mai Linh WILLER hiện có 3 xe ký hợp đồng với bến và có 5 lốt (trong phương án phê duyệt là 6 lốt) hoạt động. Hai xe BKS 36F - 001.10 và 36F - 001.27 đã có giấy ngừng khai thác từ năm 2022.
Vị đại diện cũng cho biết, có thể những chiếc xe này chạy thay thế cho xe hỏng hóc đột xuất và có giấy tờ đóng dấu đầy đủ của đầu bến xe trong Thanh Hóa. Tuy nhiên, phải chạy vào đúng lốt (giờ) đó.
“Xe hỏng đột xuất chỉ 1 - 2 chuyến, chứ không thể cho 'vô tội vạ', nếu thế hóa ra là bến dù?”, đại diện bến xe Nước Ngầm nói và cho biết sẽ rà soát hoạt động của các xe Mai Linh WILLER.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xe BKS 36F - 001.10 nối đuôi xe BKS 36F - 001.40 rời bến, đại diện bến xe Nước Ngầm chưa trả lời mà nói sẽ kiểm tra lại.
Cần nhấn mạnh rằng, đúng 8h ngày 4/8, chiếc xe 36F - 001.27 xuất phát từ văn phòng của Mai Linh WILLER tại số 298 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa và 10h20, chiếc xe đã đỗ ngay trong bến xe Nước Ngầm để trả khách.
Tương tự, 16h42 cùng ngày, xe BKS 36F - 001.10 nối đuôi xe BKS 36F - 001.40 (trùng nốt) rời bến xe Nước Ngầm chạy về Thanh Hóa.
Trước khi lên xe Limousine 9 chỗ BKS 36F – 001.27 gắn phù hiệu “Xe hợp đồng”, hành khách phải đưa tiền trực tiếp với giá từ 230 - 250 nghìn đồng tùy vào loại ghế |
Trong khi đó, theo phương án điều chỉnh khai thác trên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội và ngược lại của Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty Mai Linh WILLER ngày 8/11/2022: "Các lốt ngừng hoạt động tại bến xe phía Tây Thanh Hóa là: 4h30, 07h40, 13h20, 14h30, 15h55 (các lốt cũ vẫn được hoạt động là: 3h30, 5h30, 8h40, 10h, 12h30, 17h25 phút hàng ngày - theo Thông báo số 3796/SGTVT-QLVT ngày 7/10/2019 của Sở GTVT Thanh Hóa). Các lốt ngừng hoạt động tại bến xe Nước Ngầm là: 8h40, 11h20, 17h50, 19h, 19h50 (các lốt cũ vẫn được hoạt động là 7h50, 9h50, 12h40, 14h, 16h50, 21h10 phút - theo Thông báo số 3796/SGTVT-QLVT ngày 7/10/2019 của Sở GTVT Thanh Hóa)".
Đối chiếu phương án trên, cho thấy lốt (giờ) hoạt động của 2 xe gắn phù hiệu “Xe hợp đồng” 36F - 001.10 và 36F - 001.27 hoạt động tại bến xe Nước Ngầm không đúng với lốt đã được chấp thuận tại bến xe, thậm chí còn “chèn” lốt với một chiếc xe gắn phù hiệu tuyến cố định.
Trường hợp nếu chạy thay thế cho xe hư hỏng đột xuất cũng cho thấy không đúng quy định vì như đại diện bến xe Nước Ngầm khẳng định, xe chạy thế phải chạy vào đúng lốt (giờ) của xe hư hỏng.
Sau khi nhận phản ánh, ông Lại Văn Sang - Giám đốc Công ty Mai Linh WILLER - cho hay, theo Nghị định 10, doanh nghiệp sẽ được thay thế xe trong trường hợp xe bị hư hỏng hoặc di chuyển không kịp và sẽ xin tăng cường, thay thế. Tuy nhiên, ông Sang thừa nhận chỉ mới xin bến xe chứ chưa báo cáo với Sở GTVT và xin rút kinh nghiệm.
Đề cập xe Limousine BKS 36F - 001.10, ông Sang khẳng định đây là xe hợp đồng, chỉ phục vụ kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, những video, hình ảnh mà PV ghi nhận thực tế, xe 36F - 001.10 vẫn hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, chở khách đi Thanh Hóa và ngược lại.
Liên quan nội dung phản ánh trên, ông Vũ Minh Thuận - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa - nói, sẽ tham mưu lãnh đạo Sở chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý và phản hồi báo.
Hiện, Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống chưa nhận được phản hồi chi tiết của Bến xe Nước Ngầm về nội dung phản ánh trên.