Trong khi nước đang được đun sôi sùng sục, các nghệ nhân rót ra chén hoặc bát và uống ngay lập tức mà không cần thời gian để nguội.
Từ trước tới nay, người ta chỉ biết đến tục “nhảy lửa” của người Dao đỏ, ít ai ngờ rằng người Dao áo dài ở Hà Giang cũng có tục “nhảy bói”, trong đó có nghi lễ uống nước sôi không kém phần độc đáo.
Trước khi thực hiện nghi lễ này, người học bói phải mời một vị thày cao tay để cúng xin sự chấp thận của thần linh. (ảnh: Phàn Giào Họ).
Lễ cúng ban đầu gồm: Rượu, hương, bát ô tô gạo… Sau đó là con dê, con lợn, con gà để tạ ơn. (ảnh: Phàn Giào Họ)
Được biết, tục “nhảy bói” hay còn gọi là tục “học bói” của đồng bào người Dao áo dài Hà Giang đã có từ xa xưa. Khi đó, những người có nhu cầu học bói cần phải trải qua thử thách bằng cách uống nước sôi mới rót từ ấm ra.
Trước khi thực hiện nghi lễ này, người học bói phải rửa tay sạch sẽ bằng trà xanh. (ảnh: Phàn Giào Họ)
Sau khi cúng và nhận que bói, người được lựa chọn sẽ run lên bần bật, nghĩa là bị thần nhập. (ảnh: Phàn Giào Họ).
Quá trình uống nếu người học bói không có cảm giác bị bỏng miệng thì người đó có khả năng sẽ thành thầy bói tương lai (tức người đó đã được ma nhập). Kế đó, người được chấp nhận sẽ được chuyển sang hình thức bói khác là bói bằng que.
Mặc dù người tham gia học bói nhiều nhưng không phải ai cũng được lựa chọn. (ảnh: Phàn Giào Họ).
Người được chọn sẽ nhảy xung quanh gian nhà có bàn thờ. (ảnh: Phàn Giào Họ).
Trao đổi với phóng viên Phapluatplus,vn, ông Phàn Tà Mành (SN 1967), một nghệ nhân trú tại thôn Bản Giàng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì tham gia tục “nhảy bói” cho biết: “Vì tín ngưỡng lâu đời là cứ có người ốm là cúng, là bói nên nghi lễ này mới được truyền lại cho đến ngày nay”.
Ông Phàn Văn Hon (SN 1972), một người tham gia học bói cho biết: “Người bị nhập sẽ không có cảm giác như bình thường mà như bị thế lực nào đó đưa đi nhảy nhót”.
Nước mới được nhấc ra từ bếp vẫn còn sôi sùng sục được đổ vào chén hoặc bát…(ảnh: Phàn Giào Họ).
… Rồi được những người tham gia tục “nhảy bói” uống ngay. (ảnh: Phàn Giào Họ).
Ông Mành cho biết thêm, nghi lễ này thông thường chỉ được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 3 đầu năm. Hoặc muộn nhất là đến mùng 5 tết là kết thúc.
Theo các nghệ nhân tại xã Nam Sơn (huyện Hoàng Su Phì), trước khi thực hiện nghi thức này người học bói bắt buộc phải kiêng kỵ kỹ lưỡng như: Không được đụng đến mỡ, tắm rửa sạch sẽ trước khi thực hiện nghi lễ và không được đụng đến đàn bà…
Những chiếc chén nước nóng được uống sạch, nằm ngổn ngang. (ảnh: Phàn Giào Họ)
Theo nghiên cứu của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang, người Dao áo dài (hay còn gọi là Kìm Mùn) sống phân bố tại một số huyện như: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Quang…Thường cư trú tại những vùng đồi núi cao, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do đó sản sinh ra những tập tục, tín ngưỡng khá độc đáo.