Ngăn ngừa chứng rối loạn tình dục ở nam giới

Rối loạn chức năng tình dục là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân nam giới có bệnh thận mạn tính. Thống kê cho thấy, có đến 70% số bệnh nhân nam suy thận mạn ở các mức độ khác nhau có các rối loạn liên quan đến tình dục. Chỉ khoảng 55.4% số bệnh nhân suy thận mạn là nam giới có hoạt động tình dục so với 79% trong dân số nói chung ở cùng độ tuổi.

Ghép thận cải thiện rối loạn chức năng tình dục

Rối loạn chức năng tình dục nam giới (RLCNTD) ở bệnh nhân có bệnh thận mạn tính rất đa dạng, bao gồm giảm ham muốn tình dục, khó đạt được “cực khoái”, giảm kích thích tình dục, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, giảm tần suất quan hệ tình dục… Rối loạn cương dương là triệu chứng nổi bật và thường gặp nhất, ngay cả ở nhóm bệnh nhân điều trị thay thế thận suy bằng phương pháp lọc máu chu kỳ hay lọc màng bụng, tỷ lệ rối loạn cương dương vẫn không giảm so với nhóm bệnh nhân điều trị bảo tồn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những rối loạn này không cải thiện khi bệnh nhân được điều trị thay thế bằng lọc máu chu kỳ hay lọc màng bụng, nhưng lại được cải thiện rõ rệt sau khi được ghép thận. Điều này cho thấy vai trò trực tiếp của các độc chất là sản phẩm chuyển hóa của nitơ tích lũy trong cơ chế bệnh sinh của các RLCNTD, có thể chúng gây độc trực tiếp với tinh hoàn và/hoặc tạo ra các rối loạn trong sản xuất và chuyển hóa hormone trong cơ thể.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác như thuốc sử dụng, bệnh lý kèm theo (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, bệnh lý thần kinh) tuổi cao, béo phì, bệnh lý tim mạch, tình trạng nghiện chất… cũng được nhắc đến như các tác nhân cộng hưởng làm nặng nề hơn tình trạng RLCNTD ở bệnh nhân nam giới có bệnh thận mạn tính.

Trong số các RLCNTD ở nam giới có bệnh thận mạn, rối loạn cương dương là biến chứng phổ biến và được nghiên cứu nhiều nhất. Rối loạn xuất tinh sớm được nghiên cứu với tần suất ít hơn.

Cần tiếp cận và chẩn đoán sớm

Chẩn đoán RLCNTD ở bệnh nhân nam giới có bệnh thận mạn nên bắt đầu bằng khai thác kỹ tiền sử bệnh thận và các bệnh lý khác, tâm lý, kết hợp với khám thực thể

Xác định chính xác rối loạn bệnh nhân đang mắc phải, thời gian bị bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Điều quan trọng là phải đánh giá được các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với RLCNTD thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn, bao gồm sự hiện diện của bệnh mạch máu, đái tháo đường, bệnh lý thần kinh, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp. Các yếu tố nguy cơ lâm sàng khác bao gồm: Béo phì, hút thuốc, rối loạn nội tiết (bao gồm cả rối loạn chức năng tuyến sinh dục) cũng như chấn thương, phẫu thuật hoặc ảnh hưởng của tia xạ đến các cơ quan vùng chậu.

Các yếu tố tâm lý xã hội như trầm cảm, lo âu, lạm dụng rượu hoặc các chất gây nghiện, tiền sử sử dụng thuốc (đặc biệt là các thuốc điều trị tăng huyết áp, corticoid, các thuốc hướng thần) và các vấn đề về mối quan hệ liên quan đến bạn tình cũng có thể là những tác nhân đóng góp quan trọng cho RLCNTD ở nhóm bệnh nhân này.

Nghiên cứu EMAS (The European Male Aging Study) cho thấy, tần suất cương cứng buổi sáng giảm, tần suất suy nghĩ về tình dục giảm và rối loạn cương dương có liên quan đến mức testosterone tự do hoặc toàn phần thấp. Các tác giả này đã đề xuất một “hội chứng suy sinh dục khởi phát muộn”, đòi hỏi phải có ít nhất ba triệu chứng tình dục đi kèm với lượng testosterone toàn phần dưới 11nmol/L (320ng/dL). Hội chứng này rất thường gặp ở nam giới có bệnh thận mạn tính.

Tỷ lệ các rối loạn tình dục cũng tăng dần theo mức độ suy thận. Mặc dù vậy, các rối loạn này thường không được quan tâm đúng mức khi đặt cạnh các biến chứng khác của bệnh thận mạn tính. RLCNTD ở nam giới có bệnh thận mạn ảnh hưởng rõ nét tới chất lượng cuộc sống (HRQOL), làm gia tăng các rối loạn lo âu và trầm cảm của bệnh nhân.

Có nhiều cơ chế tham gia vào bệnh sinh của những RLCNTD ở nam giới bị bệnh thận mạn tính, bao gồm các vấn đề về nội tiết, thần kinh, mạch máu và cả các rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau.

Việc tiếp cận chẩn đoán cần đánh giá trên nhiều phương diện, trong đó, đặc biệt là nhấn mạnh đến sự cởi mở, chia sẻ, đồng hành của bác sĩ với bệnh nhân, tháo gỡ những rào cản tâm lý, đạt được tối ưu hóa trong điều trị, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, kéo dài tuổi thọ cho nhóm bệnh nhân đang có xu hướng gia tăng trong dân số này.

Khi bạn hiểu biết về nguyên nhân gây ra các chứng RLCNTD ở nam giới, vấn đề nhạy cảm này sẽ được ngăn ngừa hiệu quả hơn. Bạn có thể áp dụng các lời khuyên sau đây để cải thiện sức khỏe và cuộc sống chăn gối: Bỏ hút thuốc lá; Hạn chế bia, rượu; Điều trị theo chỉ định của bác sĩ; Giải quyết vấn đề về tình cảm hay tâm lý...

Thực tế, nhiều nam giới gặp các vấn đề về RLCNTD. Chứng RLCNTD ở nam giới kéo dài có thể khiến chuyện chăn gối trở nên nguội lạnh và ảnh hưởng tình cảm vợ chồng. Vì thế, bạn nên đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu & Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top