Thanh tra Chính phủ vừa có Báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do WB xây dựng để thực hiện.
Báo cáo đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền (gồm tội phạm tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản, tội buôn bán, vận chuyển ma túy…) vào đánh giá và đánh giá nguy cơ rửa tiền trong 15 lĩnh vực như: ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ chuyển và thu đổi ngoại tệ, cầm đồ...
Giao dịch Ngân hàng: Biết nhưng khó kiểm soát
Theo đó, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền. Báo cáo nhận xét, “không phải tất cả các khoản tiền bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền". Nhưng, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp thức hóa các khoản thu bất chính, biến “tiền bẩn” thành tiền sạch là cao hơn.
Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian qua và các số liệu của Cục phòng, chống rửa tiền có thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội phạm tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế.
Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.
Hiện ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính và nền kinh tế quốc gia. Tổng tài sản có của hệ thống ngân hàng đã tăng từ gần 5 triệu tỷ đồng năm 2011 (bằng 180% GDP cả nước) lên tới 8,5 triệu tỷ đồng năm 2016 (bằng 190% GDP cả nước). Với mạng lưới rộng lớn và là kênh trung gian tài chính cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như cho vay, nhận tiền gửi, cho thuê tài chính, kinh doanh ngoại tệ, các công cụ thị trường tiền tệ..., mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng được đánh giá ở mức trung bình cao.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, NHNN cho biết đã tiếp nhận khoảng 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ và đã chuyển giao thông tin liên quan đến 100 cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, NHNN đã nhận được khoảng 200 văn bản đề nghị cung cấp thông tin từ các cơ quan chức năng, đã xử lý hầu hết các văn bản này.
Theo quy định hiện nay về phòng chống rửa tiền, các giao dịch đáng ngờ gồm không xác định được khách hàng theo thông tin cung cấp, doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng, hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản, giao dịch được tiến hành bởi khách hàng có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp, có dấu hiệu giao dịch đáng ngờ đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực trò chơi có thưởng…
Tuy nhiên, việc phòng chống rửa tiền trong ngân hàng còn nhiều khó khăn. Lý do vì NHNN chưa có sổ tay thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro. Nguồn lực thực hiện thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền cũng còn có những hạn chế nhất định, chưa có cơ chế hiệu quả để có thể tiếp cận các thông tin về cơ cấu, quản lý, kiểm soát và chủ sở hữu hưởng lợi... cùng một số hạn chế trong các quy định của pháp luật liên quan.
Quản lý BĐS với nhiều lỗ hổng
Là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản, nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô tài sản xảy ra trong thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đang bị điều tra về tội rửa tiền, thì số các tài sản thu được từ các vụ án chủ yếu là bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.
Đơn cử như đường dây đánh bạc qua mạng do Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá, Phan Sào Nam đã chuyển cho dì ruột là Phan Thu Hương (ngụ quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đứng ra giao dịch, mua bán nhiều căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự tại Hà Nội và TP HCM. Trong đó, bà Hương đã mua 1 bất động sản tại quận 3, TP HCM có giá tới 270 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam còn sử dụng hàng chục tỷ đồng nhờ bạn bè đứng tên để mua BĐS nhằm "rửa tiền".
Về bản chất, kinh doanh BĐS phải hiểu là bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản trên đất. Nhưng việc đăng ký BĐS được thực hiện tại các văn phòng đăng ký đất đai, sau giao dịch. Đây là khoảng trống pháp luật khi không có sự tham gia của các văn phòng đăng ký đất đai thực hiện cuối cùng các đăng ký giao dịch BĐS từ kênh các dự án phát triển và từ kênh các giao dịch dân sự về BĐS hiện hữu.
Trên thực tế, các quy định về phòng chống rửa tiền đều đã có đầy đủ trong Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Nghị định 116 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền và Thông tư 32 năm 2014 của NHNN. Trong đó, có cả hạn mức giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quy định nói trên không có hiệu quả. Vì ít doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện. Bằng chứng là các quy định đã có từ rất lâu nhưng chưa thấy trường hợp nào bị xử lý nếu không báo cáo. Trong khi đó, các ngân hàng cũng thuộc diện phải báo cáo các giao dịch lớn, nhưng nhiều trường hợp còn lơ là, nên không thể trông chờ vào kết quả báo cáo của doanh nghiệp.
Ngoài ra, kênh chuyển tiền phi chính thức, chuyển tiền "ngầm" như kiều hối, người quen... với những lợi ích vượt trội về phí chuyển tiền, tính tiện lợi, không phải chứng minh mục đích chuyển tiền, tính đơn giản về thủ tục... so với các kênh chuyển tiền chính thức, cũng được sử dụng để chuyển kiều hối về Việt Nam. Các kênh chuyển tiền ngầm này tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền cao hơn và được đánh giá là nguy cơ "cao".