"Bán đi trụ cột lớn thì Việt Nam có hùng cường được hay không?”

(khoahocdoisong.vn) - Xu hướng ngoại hóa doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang âm thầm diễn biến. DN nước ngoài thâu tóm các thương hiệu Việt lớn đang làm dấy lên lo ngại về sức mạnh tự chủ, nội lực và tương lai của một nền kinh tế.

Nghịch lý "lớn bị thâu tóm, bé hụt hơi"

Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 30/10, đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn tỉnh Bình Dương - đã hết sức trăn trở về vấn đề này. Theo ông Nhân, năm 1995 thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan biến mất khỏi thị trường, mở ra thời kỳ người Việt làm quen với khái niệm M&A (mua bán sát nhập). Sau kem đánh răng Dạ Lan, hàng loạt thương hiệu đình đám một thời của người Việt “đội nón ra đi”: P.S, Phở 24, X-Men, Bia Sài Gòn, Kinh Đô, Nhựa Bình Minh hay Giấy Sài Gòn... Bản danh sách này ngày một dài, chưa có dấu hiệu dừng lại, ngay cả khi đất nước đang khát các thương hiệu lớn.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn tỉnh Bình Dương.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn tỉnh Bình Dương.

Ông Nhân dẫn chứng, Big C thông báo tạm ngừng thu mua các sản phẩm may mặc của các nhà cung cấp nội địa là một phép thử. Hàng loạt nhãn hàng Việt đang phải bước ra khỏi hệ thống bán lẻ để nhường chỗ lại cho hàng nhập khẩu của các nhà phân phối ngoại. Điều đó cho thấy hàng Việt có nguy cơ mất dần kênh phân phối trên sân nhà. 8 tháng đầu năm nhập siêu 3,5 tỷ USD từ Thái Lan có thể là nguyên nhân vì đây.

Đáng chú ý, số DN ngoại chưa tới 3% nhưng lại chiếm tới 80% thị phần thị trường logistic. Từ logistic tới tài chính, năng lượng, những ngành được dự báo sẽ bùng nổ M&A trong thời gian tới đã ngày càng manh nha những yếu tố chi phối mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại lên "xương sống" ngành kinh tế.

Có đến hơn 70% kim ngạch xuất khẩu thuộc về các DN FDI và sự lớn mạnh của khối DN này ngày càng khoét sâu khoảng cách với DN nội. "Trong lúc nền kinh tế còn quanh quẩn với hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì việc bán đi những nguồn nội lực trọng yếu có đảm bảo cho tinh thần doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế?" – ông Nhân đặt câu hỏi.

"Đến nay chưa có giả thiết nào là đúng nhất cho tình trạng các thương hiệu Việt tầm cỡ “đội nón ra đi”. Nhưng khi về tay nhà đầu tư ngoại, dù có mở rộng đến mức nào đi chăng nữa, thương hiệu Việt đó không còn bản chất hàng Việt với bao tâm huyết, tự hào như lúc khai sinh, ngày đầu khởi nghiệp" - Ông Nhân nhấn mạnh.

Từ năm 2009 - 2018, trung bình mỗi năm có 400 giao dịch M&A với tổng giá trị thương vụ đạt 48,8 tỷ USD. Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/10, tổng số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt hơn 29 tỷ USD, trong đó vốn góp mua cổ phần là 10,8 tỷ USD. Điều đó cho thấy xu hướng ngoại hóa DN Việt Nam vẫn đang âm thầm diễn biến mạnh mẽ và phức tạp.

Nền kinh tế không trụ cột sẽ ra sao?

Một những nguyên nhân của hoạt động M&A thời gian qua được nêu đích danh là do khó khăn về vốn, trong đó việc tiếp cận tài chính lẫn đất đai của doanh nghiệp tư nhân hầu như không dễ. Báo cáo của Ban kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Doanh nghiệp Tư nhân năm 2019 nêu: tỷ trọng tín dụng dành cho khu vực này giảm từ mức 60% tổng dư nợ 2011 xuống còn 41% năm 2017. Mặt khác các doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Khảo sát các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, 70,2% doanh nghiệp đồng tình với nhận định: hợp đồng đất đai, các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh. Bên cạnh đó, việc tăng giá điện thời gian qua cũng đè áp lực không nhỏ lên sức chịu đựng của không ít doanh nghiệp. Đây chắc chắn không phải là hành động của tinh thần kiến tạo mà Thủ tướng nỗ lực kêu gọi trong suốt thời gian qua.

Không ít doanh nghiệp bán đi thương hiệu quy trách nhiệm cho thể chế chưa là bệ đỡ, còn xã hội lại trăn trở doanh nhân chưa có tinh thần tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp hiệu quả vẫn còn là một chính sách gây tranh cãi.

Giải pháp cho vấn đề trên không chỉ gói gọn một hay hai chính sách cụ thể mà nó thuộc về giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Quan trọng nhất, phải đặt Nghị quyết 10 trong việc phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế song hành với nghị quyết 50 về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao về chất lượng hiệu quả, hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để vừa gia cố sức mạnh cho doanh nghiệp, vừa cơ cấu lại đầu tư nước ngoài trên nền tảng nhất quán là nâng cao tính độc lập và tự chủ của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Khi nguồn lực nội sinh còn yếu và thiếu bền vững thì việc bán đi các trụ cột có khả năng dẫn dắt các doanh nghiệp khác làm cho sự phân mảnh và rời rạc trong hệ thống doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn. Không những thế, làn sóng các nhà đầu tư ngoại âm thầm góp vốn, mua cổ phần còn làm cho các doanh nghiệp nội cùng ngành vốn đã yếu, nay tiếp tục giảm dần sức cạnh tranh, dẫn đến thua lỗ thì xem ra vẫn còn không ít chông gai để doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo ông Nhân, trong khi sự đổ lỗi và quy trách nhiệm còn chưa có hồi kết thì đáng quan tâm hơn đó chính là tiền đồ của đất nước ít nhiều ảnh hưởng do mất đi những nguồn nội lực. Điều mà xã hội đã và đang tìm kiếm, ra sức ươm mầm khởi nghiệp, kiến tạo cho một tương lai bền vững để không còn phụ thuộc lại đang được bán đi khi chỉ vừa đơm một ít quả ngọt.

“Muốn có quốc gia hùng cường phải có DN hùng cường. Việc bán đi các trụ cột lớn thì tìm đâu ra lời giải đáp cho câu hỏi: Việt Nam có hùng cường được hay không?” – ông Nhân trăn trở.

Theo báo cáo mới nhất về các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) và IPO tại Việt Nam do Baker McKenzie công bố, tổng số dự án M&A tại Việt Nam trong năm 2019 là 58, với 41 thương vụ có vốn nước ngoài, chiếm 70% tổng số dự án, phần còn lại là M&A nội địa. Thương vụ M&A có giá trị nhất trong năm 2019 tại Việt Nam với 1 tỷ USD do tập đoàn năng lượng SK của Hàn Quốc đầu tư vào VinGroup.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top