NCB công bố kết quả kinh doanh quý 2

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2019, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) tăng Vốn điều lệ từ 3.010 tỷ đồng lên 4.102 tỷ đồng. Tổng tài sản ước đạt trên 80.000 tỷ đồng, hoàn thành các kế hoạch đề ra đầu kỳ.

Chất lượng tài sản thấp

Về cơ bản, tài sản của một ngân hàng được phân ra thành hai phần chính, đó là tài sản có khả năng sinh lời và tài sản không sinh lời. Trong đó, tài sản có khả năng sinh lời thường chiếm trên 90% tổng tài sản, được sử dụng với mục đích thu lãi, là nguồn tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.

Trong nhiều năm nay, tỷ lệ tài sản có khả năng sinh lời trên tổng tài sản của NCB luôn ở mức 83%, và hầu như không thay đổi. Tỷ lệ này ở các ngân hàng cùng nhóm như Vietbank là 90,12% hay An Bình bank là 95,82%.

Tổng tài sản của NCB năm 2019 mặc dù có tăng 11% so với năm trước, lên hơn 80.000 tỷ đồng, nhưng phần tài sản không có khả năng sinh lời cũng tăng tỷ lệ thuận theo, tới khoảng 17%. Trong đó, chỉ có 2% là tài sản cố định, còn lại 15% là phần tài sản có khác, nằm chủ yếu ở các khoản phải thu khó đòi, các khoản lãi dự thu dồn tích qua nhiều năm mà thực tế chưa thể thu về được.

Điều đó cho thấy chất lượng quản lý tín dụng của NCB vẫn còn yếu và việc chuyển nhóm nợ có thể chưa được thực hiện triệt để theo đúng các quy định của Thông tư 02 và Thông tư 09.

Không chỉ phần tài sản không sinh lời bị coi là phần tài sản đóng băng, kể cả các khoản tài sản để đầu tư của NCB cũng không đem lại lãi lời gì, nếu có thì cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Theo các Báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán những năm gần đây, NCB có khoản đầu tư dài hạn gần 720 tỷ đồng. Nhưng trong các năm 2017 và 2018 không thấy ngân hàng thu về lợi nhuận từ khoản đầu tư này. Đến năm 2019, báo cáo tài chính ghi nhận ngân hàng mới thu được 2,6 tỷ đồng lãi từ khoản đầu tư 720 tỷ đồng này, tương đương lãi suất trong 0,2% tổng đầu tư cho 36 tháng. Không hiểu, NCB đầu tư dài hạn vào đâu để có mức lãi suất nằm ngoài mọi hình dung như vậy?

Đáng chú ý, chứng khoán đầu tư của NCB năm qua là hơn 13.000 tỷ đồng, nhưng chỉ thu lãi 32 tỷ đồng, tức lãi suất chỉ 0,2% một năm, khả năng sinh lời thậm chí không bằng lãi suất gửi tiết kiệm.

Tổng số tiền dành cho chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn là 13.915 tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng tài sản. Đầu tư mà gần như không thu được lãi. Giá trị đầu tư này được xem như “tiền chết”, ngoài việc giúp cho ngân hàng làm đẹp bảng cân đối, thì thực tế không mang lại lợi nhuận, thậm chí còn khiến ngân hàng phải gánh thêm chi phí khá lớn trong hoạt động kinh doanh.

Như vậy, với 17% Tổng tài sản là tài sản không sinh lời và 17,3% tổng tài sản là những tài sản đầu tư có chất lượng thấp, NCB đang có khoảng 34% tài sản “nằm im”, hầu như không thu về lợi tức.

Để so sánh, có thể thấy lãi suất huy động vốn bình quân của các ngân hàng trong hệ thống hiện tại là 5%. Điều này có nghĩa là, NCB đang có đến 34% tài sản phải chịu biên độ lãi suất âm 5%. Tuy nhiên, thực tế lãi suất huy động của NCB chịu áp lực phải cao hơn 5%. Bởi 64% tài sản có khả năng sinh lời còn lại buộc phải duy trì một biên độ lãi suất đủ cao để bổ khuyết cho phần lợi nhuận âm của 34% tài sản kia. Đương nhiên do thế, NCB khó có thể giảm lãi suất huy động.

Theo Báo cáo tài chính năm 2019, Tỷ lệ chi phí lãi trên thu nhập lãi của NCB là 78%, khá cao. Cho thấy ngân hàng đang phải chi trả lãi khá nhiều, phải huy động tiền gửi của khách hàng với lãi suất cao.

Chỉ số Dư nợ cho vay khách hàng/Tổng vốn huy động (LDR) khiêm tốn với 51%, cho thấy ngân hàng cho vay khách hàng không nhiều, không tận dụng được tối ưu nguồn tiền để sinh lời. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) là 1,82% thấp, tức là thu nhập từ lãi thuần không đủ bù đắp cho các chi phí khác. Chỉ số NIM của Saigonbank là 3,60%; Ngân hàng Kiên Long là 2,36%.

Cho nên, dễ hiểu vì sao các chỉ số sinh lời của NCB luôn thấp. Năm 2019, Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) chỉ có 0,06% ( ROAA của OCB là 2,37%; VietBank là 0,78%). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) là 1,14%, thấp hơn mức trung bình 12% của các ngân hàng rất nhiều.

Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) của NCB trước kia luôn trên 80%, sang 2019 tuy giảm còn 69,5%, nhưng vẫn là cao so với mức dưới 50% của các ngân hàng khác trong hệ thống. CIR càng cao cho thấy ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, mất nhiều chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.

Nợ xấu được báo trước

Mới đây, Tòa án nhân dân TPHCM ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Bao bì nhựa Sài Gòn (Saplastic). NCB là một trong hai chủ nợ lớn nhất của công ty này. Cụ thể, Saplastic đã vay NCB chi nhánh Sài Gòn suýt soát 130 tỷ đồng ngắn hạn, khoản nợ này vẫn chưa được tất toán. Chưa biết, sắp tới NCB sẽ có kế hoạch gì để thu hồi lại số vốn bỏ ra này không?

Những năm gần đây, theo báo cáo tài chính có kiểm toán của Saplastic, tình hình kinh doanh của công ty không có khả quan, khi mà lợi nhuận trước thuế liên tục giảm, đặc biệt năm 2018 giảm 38,27% so với 2017. Tỷ suất sinh lời trên doanh thu thuần của Saplastic đến quý 3/2019 là âm 163%, nghĩa là không còn khả năng sinh lời.

Nhóm chỉ số thanh khoản của Saplastic lẹt đẹt. Trong vòng 5 năm, chỉ số thanh khoản bằng tiền mặt của công ty này là không có. Khả năng thanh toán lãi vay cầm chừng ở mức dưới 1,5 lần.

Lưu chuyển tiền mặt từ hoạt động kinh doanh năm 2018 âm đến 49 tỷ đồng, 2019 âm 28 tỷ đồng. Saplastic phải dùng tiền từ thanh lý nhượng bán Tài sản cố định và tài sản dài hạn khác để bù vào. Dù vậy, khả năng thanh toán nợ từ dòng tiền hoạt động kinh doanh không khá hơn được, vẫn là tỷ lệ âm 5,46%.

Rõ ràng, Saplastic trong những năm qua, đặc biệt năm 2019, là một doanh nghiệp làm ăn kém, thua lỗ, khó có khả năng thanh khoản vay nợ. Chưa kể tài sản cố định hữu hình để thế chấp cũng chưa đến 110 tỷ đồng, thêm vào đó công ty vẫn còn chưa hạch toán được khoản chi phí lãi vay là 25,5 tỷ đồng.

Nhưng chính vì vậy, lại càng không rõ lý do và căn cứ để NCB chi nhánh Sài Gòn dám mạnh dạn cho Saplastic vay đến 130 tỷ đồng. Được biết, BIDV cũng đã rót cả 400 tỷ đồng vào Saplastic.

Về nguyên tắc, nếu không phải các trường hợp đặc biệt, việc cho vay phải tuân thủ các bước từ đề nghị, tới thẩm định tài sản, phương án kinh doanh. Điều này đã đặt ra nghi vấn về việc doanh nghiệp đã móc nối để "thổi" giá trị tài sản bảo đảm lên cao nhằm được vay vốn. Giá trị tài sản thực thấp hơn định giá, có thể thấy việc thanh lý, xử lý tài sản bảo đảm sau khi Saplastic nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, phân loại nhóm nợ lại sẽ thành chuyện của... ngân hàng cho vay, hơn là của con nợ.

Theo Đời sống
Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Sacombank tái bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc

Ngân hàng TMCP Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố việc ông Hồ Doãn Cường và ông Hà Văn Trung sẽ tiếp tục giữ chức Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/10 và 10/10/2024. Các quyết định bổ nhiệm đều có hiệu lực trong vòng 4 năm.
back to top